(VietKings.Values) Hành trình quảng bá Kỷ lục Việt Nam (P.173) Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á - Sự thăng hoa trong ý tưởng làm nên những nét riêng

06-09-2018

(#KỷLục-VietKings) Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á hiện sở hữu hai bộ ảnh đạt Kỷ lục Việt Nam. Anh đã đến với nhiếp ảnh để thỏa sức những khám phá của riêng mình; để tìm hiểu về ánh sáng, đường nét, bố cục, để nắm bắt nội tâm và lột tả thần sắc "người mẫu. Từ đó nhận ra cái đẹp hiện ra không đơn thuần là vẻ đẹp hình thể mà là cái "hồn" làm nên cái "sắc".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á sinh năm 1968 tại Bình Dương, trước khi đến với nhiếp ảnh, Nguyễn Á là vận động viên môn bóng ném. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hội họa vì vậy anh tâm sự rằng trong anh ""máu" khám phá cống hiến cho nghệ thuật đã ăn sâu tự bao giờ".

 

 

 

 

Trưởng thành từ cuộc sống nghèo khó cho anh một ý chí với khát vọng sống không ngừng: học hỏi, tìm tòi và luôn sáng tạo.... Niềm đam mê thể thao ngỡ đâu là đích đến cuối cùng sau những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường nhưng không dừng lại ở đó... Một ngày, Nguyễn Á nhận ra cái đẹp là một phần chất liệu cuộc sống, miên man trong suy nghĩ phải làm gì để khám phá cái đẹp và làm đọng lại những khoảnh khắc vô giá đó. Anh đã tìm đến nhiếp ảnh, một nghệ thuật anh cho rằng "rất gần, rất thật". Anh đến với nhiếp ảnh để thỏa sức những khám phá của riêng mình; để tìm hiểu về ánh sáng, đường nét, bố cục, để nắm bắt nội tâm và lột tả thần sắc "người mẫu. Từ đó nhận ra cái đẹp hiện ra không đơn thuần là vẻ đẹp hình thể mà là cái "hồn" làm nên cái "sắc".

Anh đã có những quãng thời gian rong ruổi để tìm đến những cảnh đời bất hạnh nhưng vẫn chan chứa nụ cười niềm tin yêu và lạc quan vào cuộc sống. Những cảnh đời đó đi vào ảnh của anh rất đẹp và tự nhiên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Nguyễn Á

 

Năm 2012, sách ảnh "Họ đã sống như thế"- bộ ảnh ghi lại chân thực thân phận hết sức khắc nghiệt cùng với nghị lực sống tuyệt vời của những người trót sinh ra từ ô cửa không may. Bằng sự tìm kiếm nhân vật công phu, sự trải nghiệm tinh tế về cảm giác nghệ thuật, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á đã không quản vất vả ghi lại được 95 mảnh đời, 95 tấm gương lao động... Mỗi khoảnh khắc trong ảnh là một bài học lý tưởng sống bằng xương thịt giàu sức thuyết phục và thấm đẫm giá trị nhân văn. Nét độc đáo của bộ ảnh "Họ đã sống như thế" vì thế nằm ngay trong mỗi nhân vật. Cái xù xì, thô ráp của thực tại trộn lẫn vẻ đẹp long lanh của tính cách sống đã tạo được mối đồng cảm sâu xa trong lòng công chúng thưởng lãm.

 

 

 

Với những giá trị nhân văn sâu sắc, sách ảnh "Họ đã sống như thế" xác lập Kỷ lục Việt Nam năm 2012.

 

Năm 2013, anh tiếp tục ra mắt sách ảnh “Tâm và Tài – Họ là ai”, cuốn sách tập hợp nhiều câu chuyện và hình ảnh nhất về người nổi tiếng trên các lĩnh vực tại Việt Nam. Sách có trọng lượng 5kg, dày 864 trang. Cuốn sách đã ghi lại hình ảnh và các câu chuyện của hơn 400 nhân vật có nhiều cống hiến cho xã hội được Nguyễn Á thực hiện liên tục trong 4 năm.

 

 

 

 

Gần như tất cả các nhân vật trong sách ảnh Tâm và tài, họ là ai? đều là người được công chúng yêu quý dù công việc của họ có tên gọi hay chỉ thầm lặng như con ong tạo mật ngọt cho đời. Nguyễn Á đã tiếp cận tất cả các nhân vật này, kể lại câu chuyện cuộc đời họ một cách chân thực, sống động nhất.

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Nguyễn Á

 

Cuốn sách một lần nữa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh vào năm 2013. Nhận xét về cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng: “Đây là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh về xã hội Việt Nam đương đại”.

Năm 2015, Nguyễn Á ra mắt quyển sách ảnh thứ 5 với chủ đề “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương

 

 

 

Sách ảnh "Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương" - Ảnh: Nguyễn Á.

 

Quyển sách ảnh gồm 288 trang, hội tụ gần 150 nhân vật – đó cũng là 150 câu chuyện sống động về nghệ nhân, tài tử đang ngày đêm giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của di sản nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Đầu năm 2017, anh tiếp tục cho ra mắt tập sách ảnh thứ bảy trong sự nghiệp của mình. Đặc biệt, cuốn sách 11 Di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh ra mắt chỉ 1 tháng khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cuốn sách “khủng” có trọng lượng lên tới 3,6kg về 11 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

 

 

*** Error ***

 

Bìa sách 11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh - Ảnh: H.V

 

Để thực hiện bộ ảnh này, Nguyễn Á đã di chuyển suốt năm 2016 từ Nam ra Bắc và đồng hành cùng các nghệ nhân di sản văn hóa. Gần như tuần nào trong suốt năm 2016, Nguyễn Á cũng rong ruổi hết Tây nguyên đến các tỉnh phía Bắc khi có các lễ hội liên quan đến các di sản văn hóa anh đang thực hiện. 11 di sản gồm: tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; nghi lễ và trò chơi kéo co; dân ca ví, giặm; đờn ca tài tử Nam bộ; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hát xoan ở Phú Thọ; hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc; hát ca trù; dân ca quan họ Bắc Ninh; không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên và nhã nhạc cung đình Huế.

Mỗi di sản được dành khoảng 30 trang, chọn lọc qua hàng nghìn tấm ảnh mà nhiếp ảnh gia đã đến tận vùng đất - nơi khai sinh ra những di sản văn hoá phi vật thể ấy để ghi lại. Đó thực sự là một "cuộc chơi đẳng cấp" mang tên Nguyễn Á để bày tỏ sự trân trọng, ngưỡng mộ đối với những tài sản vô giá của quốc gia này.

 

 

 

 

Giàu nhiệt huyết với nghề, Nguyễn Á hình như chưa bao giờ ngơi nghỉ. Dự án này chưa hoàn tất, anh đã nghĩ ngay đến một đề tài khác để rồi lại rong ruổi trên những chuyến đi. Anh cho biết, mình luôn có sẵn tư liệu cho bất cứ đề tài nào nhưng vẫn phải cực kỳ cẩn trọng trước khi ra mắt một cuốn sách ảnh hay một triển lãm, để không bao giờ phải hối tiếc trước một sản phẩm chưa đạt chất lượng.

Cái tâm, cái tầm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là ở đó.
 


Theo QN - Kyluc.vn (Tổng hợp)