Sinh ra ở Bến Tre nơi trước mặt là biển, sau lưng là sông. Khi gia đình chuyển nhà lên miệt cù lao Tân Long, Mỹ Tho, Tiền Giang, sau lưng là sông và trước mặt cũng là sông. Hồi đó mỗi buổi từ trường học về, cô bé Hồng lại quẳng cặp sách, chạy một mạch ra sông, nhảy ùm xuống nước bơi theo lũ con trai cùng xóm. Dáng người thon thả, khuôn mặt đầy đặn, nước da đen giòn, học hành không thua kém ai, lại là con của một chủ đóng tàu giàu có ở Mỹ Tho, cô bé Hồng vừa trổ mã tiểu thư cũng là lúc có nhiều chàng công tử Mỹ Tho ngấp nghé, cũng không phải Hồng không thèm để ý ai, nhưng có điều chị đã có một tình yêu khác - tình yêu với biển...
Năm 1982, chị tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, kết thúc đời sinh viên văn khoa hay mơ mộng với tấm bằng loại ưu, được nhà trường giữ lại làm cán bộ phòng tổ chức, 6 tháng sau chị vào biên chế, cuộc sống viên chức cứ lặng lẽ trôi. Vài tháng sau, cuộc sống ấy trở thành quá nhàm chán đối với cô gái rất thích biển và ưa phiêu lưu này. Trước lời mời của người cô ruột, mộtchủ tàu buôn cá cơm miệt Kiên Giang, chị không hề đắn đo mà nhận lời liền, chấp nhận bỏ cái công việc của công chức ngày làm 8 tiếng để đi theo tiếng gọi của biển cả, của muối mặn và những cơn gió lồng lộng mà trong lành. Một cuộc sống lênh đênh với biển của người nữ thuyền trưởng đầu tiên bắt đầu và đơn giản như thế. chị cũng chẳng nhớ khi ấy chị học lái tàu từ đâu và từ bao giờ, do cha là chủ đóng tàu nên không ít lần chị được theo những con tàu của cha lênh đênh sông nước và có lẽ từ đó mà cô biết lái tàu, mà đối với cô lái tàu ngoài biển khơi rất... đơn giản. Rồi sau khi được giao cầm vô lăng con tàu của người cô ruột, cứ nghề dạy nghề mà cô trở thành một thuyền trưởng cừ khôi. Thuyền trưởng, có lẽ cô sinh ra là để theo đuổi nghề này, chỉ có công việc ấy mới đủ làm cho cô thỏa mãn thú phiêu lưu và tình yêu với biển cả, với sóng cuộn mênh mông!
"Tất cả những con sông rồi cũng chảy ra biển...", chị nghĩ số phận mình rồi cũng sẽ như những dòng sông, một ngày nào đó cũng trở về với biển. Tình yêu, sự thách thức và nỗi đam mê đối với chị đều dồn về nơi đó.

Con tàu TG 2032 chuyên buôn cá cơm do chị lái có tải trọng 60 - 70 tấn, 6 thủy thủ, một bà chủ buôn già và một chú chó Nhật có tên Becky. Một năm con tàu này lênh đênh trên biển hết... 10 tháng, và với người nữ thuyền trưởng này cũng vậy, chuyện gia đình, chồng con chị cứ gác hết qua một bên, hết năm này lại qua năm khác. Khi người ta được sống với tình yêu của mình thì còn mong gì hơn thế nữa, nhiều lần chị đã tự hỏi mình như vậy! Và, nhiều đêm người phụ nữ cô đơn đã tự hỏi rằng không biết khi cuộc đời mình gắn với biển, đấy là tình yêu hay là số phận?

Vào ngày 1/11/1997, đài báo có áp thấp nhiệt đới, trời vẫn yên, biển vẫn lặng. Chiếc tàu mang số hiệu TG 2032 trong lần ra khơi ấy khuyết mất hai thủy thủ, một anh bỏ tàu về làm trong Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang do không chịu nổi nắng gió của biển và những tháng ngày xa nhà dù lương thủy thủ khi ấy cao ngất ngưởng, còn một anh nữa do bệnh nên không kịp theo chuyến tàu bão táp ấy. Sau khi nghe tin có bão, nữ thuyền trưởng Hồng đã quyết định cho tàu neo bên hòn Nại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang để “núp”. Thường thì các thuyền trưởng sẽ cho tàu “núp” ở phía nam hòn đảo nếu là gió hướng bắc, và ngược lại, cũng có những khi bão, trời đổi gió, và khi ấy ngư dân đành phó mặc sinh mạng mình cho may rủi, cho biển cả và tay lái của người thuyền trưởng.
Mùng 2 bão đến kinh hoàng. Sóng cuộn. Gió giật. Những ngư dân đã có cả một đời đi biển cũng bất ngờ trước cơn bão có một không hai ập đến. Nhiều chiếc tàu không kịp kéo neo lên phải dùng dao chặt cả neo để tháo chạy mà cũng không kịp. Ngày, hơn 300 tàu thuyền vẫn neo đậu bên hòn Nại Sơn “núp” bão. Đêm, từng chiếc đèn bão trên từng chiếc tàu thuyền lớn nhỏ được thắp lên như nhen nhóm chút hy vọng chờ bão tan. Đêm tối như mực, bão vẫn mạnh, mang từng cột nước khổng lồ quật vào những con tàu. Từ trên con tàu loi nhoi trên lưng sóng, chị Hồng cố căng mắt nhìn ra bốn phía, không thấy bóng dáng một chiếc tàu thuyền nào, chỉ thấy những chiếc đèn bão le lói lảo đảo. Rồi sóng lại cuộn, gió lại giật liên hồi, từng chiếc đèn bão một cứ chìm dần xuống biển sâu. Nghe tiếng la hét kêu cứu từ mặt biển cất lên vô vọng lẫn trong tiếng gào thét của sóng dữ...
Vẫn giữ chặt vô lăng con tàu TG 2032, chị Hồng vừa lệnh cho những thủy thủ trên tàu quăng phao xuống biển cứu người. 34 người đã may mắn thoát khỏi cơn thịnh nộ của "thần biển". Hàng chục tấn cá trên tàu, các thủy thủ đã phải đổ xuống biển để cứu gần 40 mạng người. Suốt đêm đó, thuyền trưởng Hồng vừa phải căng mắt theo dõi hướng gió, vừa dùng hết sức bình sinh, cả tay lẫn chân để điều khiển con tàu, cả tàu và người đều rệu rã. Cuối cùng chiếc tàu cũng qua được đêm bão kinh hoàng đó. Sáng mùng 3, không còn mấy con tàu nổi trên mặt biển. Sóng vẫn ầm ào cuồn cuộn, gió vẫn giật không ngừng. Thuyền trưởng Hồng quyết định cho tàu mở đường máu chạy khỏi vùng tâm bão... Chiếc tàu và gần 40 con người thoát nạn.
Sau bão, nữ thuyền trưởng rời tàu, cùng các đoàn từ thiện đi cứu trợ khắp các nơi từ đầu miệt Cà Mau đến cuối miệt Kiên Giang. Đến đâu, chị cũng chỉ thấy một màu tang tóc! Chị bảo, ngư dân và những người đi biển sau này phải nhớ, nhớ mãi cơn bão này, một bài học quá đắt cho những ngư dân một đời theo biển để sinh tồn. Biển nuôi đấy và biển cũng sẽ đem sinh mạng những người con của biển đi bất cứ lúc nào.
Ngày 13.10.1998, chị Hồng được Bộ Thủy sản cấp bằng thuyền trưởng hạng 5. Ngày 24.1.1998, chị được kết nạp vào Câu lạc bộ thuyền trưởng và trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam. Tháng 4/2000, chị đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động nhờ những nỗ lực quên mình cứu người trong đêm mưa bão ấy. Chị cười hồn nhiên: “Ai ở trong hoàn cảnh như mình cũng sẽ làm như vậy thôi”. Nhưng trong suy nghĩ của những ngư dân miền Tây khi ấy, chị là anh hùng của họ, người nữ anh hùng của biển. Chị cùng với 3 thủy thủ, một chú chó đã viết lên câu chuyện huyền thoại trong đêm bão táp đó.

Chị Hồng lúc nhận bằng nữ thuyền trưởng.
Năm 1999, để "hợp thức hóa" chức vụ thuyền trưởng chị đã dành thời gian đi học lấy bằng thuyền trưởng tàu biển Việt Nam. Ngày nhận tấm bằng thuyền trưởng cũng là ngày chị được đặc cách gia nhập Câu lạc bộ thuyền trưởng. Buổi gặp gỡ đầu tiên với những người đồng nghiệp ấy, chị nhớ mãi. Tất cả các thành viên hướng về chị với những ánh mắt thân thiện và sự quan tâm đặc biệt, vì chị là thành viên nữ duy nhất. Nhiều người chủ động đến bắt tay chị và họ cũng không lấy làm ngạc nhiên với cái bắt tay siết chặt, rắn rỏi và cương nghị đầy chất "thuyền trưởng" nhưng với một nụ cười... rất nữ tính.

Nữ thuyền trưởng anh hùng lao động Nguyễn Thị Hồng & Anthony trong ngày cưới năm 2006.
Năm 2005, Chị được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là Nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam.