Đó chính là Kỷ lục gia Đỗ Phú Sơn Tuyền, nghệ danh Phú Thảo, sinh năm 1973 tại tỉnh Long An. Học nghệ thuật cắt bóng với chút năng khiếu, trí tuệ của tuổi trẻ, sự cần cù luyện tập và tất cả đam mê, anh đã nhanh chóng tiếp thu nghệ thuật này và biến nó trở thành nghề nghiệp.

Cắt hình bóng nhanh, chính xác, thể hiện được đường nét, lứa tuổi, giới tính của người mẫu là những điểm nổi bật trong mỗi tác phẩm hình bóng của kỷ lục gia Phú Thảo. Kỷ lục Người dùng tay tạo chân dung hình bóng nhanh nhất Việt Nam được anh xác lập vào năm 2006 là cắt bóng cho 10 người chỉ trong 4 phút 27 giây.
Anh cho biết: "Nghệ thuật cắt hình bóng vừa đơn giản vừa khó, khó nhất là thể hiện được sự cảm thụ của người cắt về đường nét của nhân vật. Đó cũng chính là điều thu hút tôi gắn bó dài lâu với nghệ thuật này. Ngày nào tôi cũng luyện cắt hình bóng, đi đâu cũng không quên mang theo kéo và giấy. Để học được đường cắt căn bản để có thể cắt một ảnh cho vui thì có thể chỉ cần 10 đến 15 ngày. Còn để cắt đẹp, cắt nhanh thì tất nhiên không thể thiếu sự luyện tập và đam mê thật sự".
Gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật cắt hình bóng, kỷ lục gia Phú Thảo có dịp đi đến nhiều vùng miền, cắt hình bóng cho người dân đủ mọi lứa tuổi. Những khả năng đặc biệt này của anh còn được nhiều công chúng biết đến khi anh xuất hiện trên truyền hình trong nước và từng được Đài Truyền hình Munhwa Broadcasting Corporation quay hình.
Dường như đối với Phú Thảo, khi đã "chơi" một nghệ thuật nào thì sẽ phải chơi thật "lạ". Năm 2000, khi đến với nghệ thuật thư pháp, anh tìm kiếm những chất liệu lạ để bay lượn nét chữ hoặc với những chất liệu quen thuộc thì cách thể hiện chữ phải thật "không giống ai". Chọn viết trên đá cuội, anh thử sức với viên đá có kích thước 5x6cm và viết được... 152 chữ. Khi chọn viết trên tăm tre, anh viết một mạch bốn câu thơ lục bát. Nhưng "độc nhất vô nhị" có lẽ là tiết mục viết 27 chữ lên hạt gạo. Để làm được điều này, tất nhiên không thể thiếu sự tập trung cao độ, sự tinh tế, khéo léo. Năm 2013, anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là Người đầu tiên viết thư pháp siêu nhỏ trên hạt gạo.

“Những viên đá, hạt gạo có những sớ ngang, dọc khiến nét mực khó đều, nhất là hạt gạo lại tròn, không hút mực. Khi viết, tôi phải tập trung tâm lực, nín thở, tay không run và cảm nhận chữ viết. Tôi phải luyện trong 2 năm mới thành công”- anh chia sẻ.
Đồ nghề gọn gàng, Kỷ lục gia Phú Thảo không ngại rong ruổi nhiều nơi để giới thiệu nghệ thuật cắt hình bóng, thư pháp. Vất vả là thế nhưng có lẽ một khi niềm đam mê đã thấm vào người thì bước chân không còn xá gì đường xa...