Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng - Người họa sĩ thương binh hạng nặng ¼ (91%) có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc nhất
Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại quê hương giàu truyền thống cách mạng Quảng Bình, ông từng theo học trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tháng 9/1971, khi ấy đang là sinh viên năm thứ 3, nghe theo tiếng gọi của non sông chàng trai trẻ Lê Duy Ứng đã tạm gác bút nghiên cùng hoài bão nghệ thuật, tạm xa gia đình, xa mái trường tình nguyện khoác ba lô vào chiến trường. Sau trận chiến đấu vô cùng khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 28.4.1975 của các chiến sĩ Quân đoàn 2 ông bị thương nặng, hỏng hai mắt. Ông được chuyển về hậu phương với 91% thương tật (thương binh hạng ¼).
Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng cùng Ts.Thang Văn Phúc - Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam tại phòng trưng bày các tác phẩm của ông
Trong suốt 8 năm sống trong bóng tối, ông đã nặn được khoảng 50 bức tượng bằng đất, các tác phẩm ấy được nhiều người động viên, khen ngợi. Năm 1983, họa sĩ Lê Duy Ứng đã trở lại phục vụ quân đội và tiếp tục con đường sáng tác của mình với những tác phẩm về đề tài chiến tranh, cách mạng sau khi được Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân mổ ghép mắt thành công. Nhưng rồi mắt ông lại kém dần đi. Ông tiếp tục sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình với tất cả trái tim và nhiệt huyết. Những tác phẩm nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến như bức “Tượng Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Chiến thắng Cửa Việt”, “Tội ác của Mỹ, ngụy với nhân dân Quảng Trị”...
Một góc trưng bày tác phẩm của họa sĩ Lê Duy Ứng
Tính đến nay, ông sáng tác được hơn 3000 bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, 1000 bức chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10 tranh sơn dầu khổ lớn. Hơn 200 tranh ký họa, 50 bức tượng bằng đất ông nặn trong lúc bị mù, 200 tác phẩm điêu khắc….

Ts.Thang Văn Phúc trao bằng xác lập Kỷ lục Người họa sĩ thương binh hạng nặng ¼ (91%) có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc nhất đến Kỷ lục gia - Họa sĩ Lê Duy Ứng
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Đoàn Xuân Tiếp (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kinh tế Chân - Thiện - Mỹ) - Người AHLĐ tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật nhất
Ông Đoàn Xuân Tiếp sinh ngày 19/5/1950 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng ở xã Đại Lai, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh. Năm 1972 ông lên đường nhập ngũ, sau một lớp học lái xe rồi phiên chế vào Trung đoàn 13 - Sư đoàn 571 – Binh đoàn Trường Sơn. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Đoàn Xuân Tiếp, tiếp tục phục vụ cho quân đội thêm 15 năm nữa và đến năm 1991 thì rời quân ngũ trở về địa phương. Sau 19 năm trở về, ông thấy quê mình vẫn nghèo, cuộc sống người dân trong làng vẫn rất khó khăn. Những đau thương do di chứng của chiến tranh còn đè lên cuộc sống làng quê ông, những thương binh, bệnh binh, những nạn nhân của chất độc ra cam, chứng kiến những cảnh đau thương ấy, ông xót xa và nghĩ phải làm gì để giúp đỡ họ. Nghĩ và làm, ông âm thầm đến nhiều nơi, làm nhiều việc, thử nhiều nghề và sau nhiều năm tìm tòi suy nghĩ và nghiên cứu, ông đã quyết định mở lớp dạy nghề cho thương binh và người khuyết tật.
Người lao động làm việc tại công ty Chân – Thiện – Mỹ
Ngày 14/9/1996, ông thành lập trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh với phương châm và mục đích là dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho thương binh, bệnh binh và người khuyết tật. Ông chọn các nghề như thêu, may, chạm khắc đồ mỹ nghệ, gốm sứ, chế tác đá quý và đồ trang sức… cho những NKT và thương bệnh binh làm. Năm 2005 khi Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc đã phát triển thành Công Ty TNHH Hồng Ngọc, ông quyết định thành lập thêm công ty Chân – Thiện – Mỹ tại địa điểm Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh. Năm 2007, ông tiếp tục mở thêm cơ sở tại Xã Hoàng Tân, Huyện Chí Linh và cũng trong năm đó ông vinh dự được chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Hiện nay, Tập đoàn Chân - Thiện - Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho 1100 lao động, trong đó có trên 53% là người khuyết tật. Qua đó, người khuyết tật có việc làm, có thu nhập và hòa nhập với cộng đồng.
Ts.Thang Văn Phúc trao bằng xác lập Kỷ lục Người AHLĐ tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật nhất đến Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kinh tế Chân - Thiện - Mỹ)
Xác lập Độc bản Việt Nam: Phiên bản chùa Một cột thu nhỏ bằng gỗ Căm xe thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Phí Đình Tuấn
Ông Phí Đình Tuấn sinh ra và lớn lên tại làng mộc Chàng Sơn thuộc tổng Nủa, xứ Đoài thuộc vùng đất Phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, đây là nơi nổi tiếng với những người thợ tài hoa, tham gia xây dựng và sửa chửa nhiều công trình đền, chùa, miếu, cung điện, lăng tẩm,…trong cả nước. Là người coi trọng giá trị quê hương, một quê hương nghề gỗ, làng mộc, ông Tuấn càng mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của ông cha. Từ ý tưởng muốn tiếp tục bảo tồn và phát huy vốn cổ nghề mộc của quê hương và khi nghiên cứu tỉ mỉ công trình Chùa Một Cột tại Hà Nội, ông Tuấn bắt tay vào làm một phiên bản thu nhỏ của công trình độc đáo này.
Ông Đặng Huy Tuân - Phó Viện trưởng Viện Độc bản Việt Nam trao bằng xác lập Độc bản Việt Nam Phiên bản chùa Một cột thu nhỏ bằng gỗ Căm xe thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ông Phí Đình Tuấn
Tác phẩm được đầu tư rất lớn về công sức, thời gian và tâm huyết của chủ nhà cũng như các thành viên trong gia đình, đặc biệt là qua bàn tay của 10 nghệ nhân làng nghề Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội trong vòng 2 tháng và do chính ông Tuấn chỉ đạo kỹ thuật.

Phiên bản chùa Một cột thu nhỏ bằng gỗ Căm xe thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Phí Đình Tuấn

Theo ông Tuấn, điều đặc biệt nhất của tác phẩm đó là thông thường các ngôi chùa hay thờ Phật, nhưng tác phẩm này ông thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu gỗ hương đỏ và trang trọng đặt chính giữa không gian bên trong tác phẩm
Tác phẩm được làm hoàn toàn từ gỗ căm xe, gỗ có dầu, mùi thơm mát, màu sắc dễ nhìn, chịu được thời tiết khắc nghiệt mưa nắng vùng nhiệt đới và chống mối mọt. Tác phẩm có tỷ lệ 1:1.5 so với bản chính, khối lượng là hai khối mốt, chiều ngang 2m45 và chiều cao là 2m55, Toàn bộ công trình có tới hàng trăm chi tiết lớn nhỏ, thế nhưng các chi tiết ấy liên kết với nhau mà không cần tới sự hỗ trợ của các chi tiết kim loại.