Nhà hát Múa rối Thăng Long, nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm cổ kính, giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Nhà hát Múa rối Thăng Long. (Ảnh: internet)
Được thành lập từ năm 1969, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trải qua không ít thăng trầm. Có những lúc Nhà hát gặp khó khăn tưởng chừng như đã không thể vượt qua bởi vì sự mai một và bị lãng quên của bộ môn nghệ thuật múa rối nước. Nhờ có sự nỗ lực của những người nghệ nhân yêu thích bộ môn truyền thống này mà vào năm 1990 Nhà hát múa rối Thăng Long đã có 1 bước tiến lớn khi quyết định đầu tư khôi phục bộ môn này và biểu diễn phục vụ khách du lịch trong cũng như ngoài nước.
Hoạt động múa rối nước tại Nhà hát. (Ảnh: internet)
Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, từ một đoàn nghệ thuật chỉ có 9 diễn viên tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội, nay nhà hát đã có hai đoàn diễn viên và các phòng, ban chức năng, với một lực lượng cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên… được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết. Họ có thể đảm nhận được nhiều vai diễn, nhiều phong cách biểu diễn… sánh ngang hàng với nghệ sĩ múa rối quốc tế. Không ít các nghệ sĩ giữ cương vị cán bộ quản lý, tác giả, đạo diễn, nhà hoạt động sân khấu…
Hoạt động múa rối cạn tại Nhà hát. (Ảnh: nhahatmuaroithanglong.vn)
[WOWTIMES] Những cột mốc đáng nhớ trên hành trình 53 năm xây dựng và phát triển của Nhà hát Múa rối Thăng Long
Ngày 10/10/1969, UBND Thành phố Hà Nội quyết định thành lập Đoàn nghệ thuật Kim Đồng Hà Nội – tiền thân của Nhà hát Múa rối Thăng Long trực thuộc sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.
Năm 1975, Đoàn nghệ thuật Kim Đồng đổi tên thành Đoàn Múa Rối Hà Nội.
Năm 1985 – 1990, Những năm tháng cuối cùng của thời bao cấp, trước ngưỡng cửa cơ chế thị trường khủng hoảng – bế tắc toàn diện. Diễn không người xem, lương không đủ sống, ngày không việc làm, lãnh đạo đoàn bị kỷ luật, nguy cơ bị giải thể, thất nghiệp và tan giã. Ông Lê Văn Ngọ - lãnh đạo phụ trách đoàn đã đứng lên kêu gọi anh em trong đoàn góp vốn. Tinh thần cống hiến cho nghệ thuật bùng cháy, những chỉ vàng, đồng tiền phòng thân của các gia đình anh em được thức giấc.
(Ảnh: nhahatmuaroithanglong.vn)
Năm 1991, Đoàn múa rối Hà Nội được đổi tên lần thứ ba thành Đoàn múa rối Thăng Long.
Năm 1993, đoàn nghệ thuật múa rối Thăng Long chính thức được bàn giao rạp chiếu bóng Hòa Bình xưa nay được xây dựng cải tạo thành nhà hát nghệ thuật sân khấu múa rối tại địa chỉ 57B - phố Đinh Tiên Hoàng – Hoàn Kiếm.
Năm 2000, Đoàn đã thực hiện 7 chuyến lưu diễn Quốc tế.
Đoàn múa rối nước Thăng Long lưu diễn nước ngoài. (Ảnh: nhahatmuaroithanglong.vn)
Tháng 8/2001, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định năng cấp đoàn Múa rối nước Thăng Long thành Nhà hát Múa rối Thăng Long - trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội.
Năm 2003, là một năm thành công rực rỡ, các vở tham dự Hội diễn Sân khấu Múa rối toàn quốc mang về nhiều giải thưởng cao.
Năm 2004, Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật đầu tiên thực hiện theo mô hình xã hội hoá nghệ thuật.
Năm 2007, Ngoài nhiệm vụ biểu diễn Nhà hát còn tham gia những hoạt động xã hội như công trình khoa học cấp Thành phố, được đánh giá cao với đề tài" Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối Thăng Long - Hà Nội".
Năm 2007: Nhà hát múa rối Thăng Long đón nhận Kỷ lục Việt Nam là Đơn vị nghệ thuật duy nhất tại Việt Nam biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm.
Năm 2008, dàn nhạc được thành lập với hơn chục thành viên, được đào tạo chính quy tại Nhạc viện quốc gia Việt Nam.
Năm 2008 đến 2014, giai đoạn này một loạt các tác phẩm nghệ thuật được trình làng phục vụ khán giả trong nước và đáp ứng với các kỳ Liên hoan múa rối trong nước và Quốc tế. Nhà hát múa rối Thăng Long luôn là một trong những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, tham gia nhiều chương trình vở diễn có chất lượng nghệ thuật tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Ngày 18/9/2013 Nhà hát được Trung tâm kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập "Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm".
Tháng 5/2018, Nhà hát mở hệ thống bán vé điện tử, thực hiện kế hoạch điện tử hóa các dịch vụ công theo chủ trương của TP Hà Nội, cho đến thời điểm này, Nhà hát múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật truyền thống đầu tiên của Hà Nội thực hiện tự động hóa dịch vụ công.
Năm 2015, tiết mục "Bay lên từ mặt nước" của Nhà hát tham gia Liên hoan múa rối Quốc tế lần thư IV đã gây xôn xao dư luận bởi sự độc đáo khác lạ. Trò "đấu bò tót" của Tây Ban Nha, ballet Hồ Thiên Nga, cho thấy sự sáng tạo đã vượt lên trên "khuôn khổ" truyền thống của nghệ thuật rối nước. (Ảnh: nhahatmuaroithanglong.vn)
Từ một đoàn nghệ thuật cơ sở vật chất nghèo nàn, chuyên biểu diễn rối cạn, đến nay Nhà hát đã có rạp chuyên diễn rối nước với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khán giả. Rạp có gần 300 chỗ, khang trang thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông…Điều khác biệt của Nhà hát Múa rối Thăng Long là đã tạo được bước đi cho riêng mình. Nhà hát luôn đặt yếu tố dân tộc, truyền thống lên hàng đầu, chú trọng phát triển theo phương châm kế thừa nhưng không dập khuôn, từng bước khôi phục, làm mới các tích trò cổ, bổ sung vào chương trình biểu diễn. Nhà hát đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trong các kỳ Liên hoan múa rối trong nước và quốc tế. Nhiều nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu: Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú…
(Ảnh: nhahatmuaroithanglong.vn)
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, nghệ thuật múa rối nước - Nhà hát Múa rối Thăng Long đã cho ra đời của các vở diễn với nhiều hình thức, thể loại khác nhau đã góp phần tôn vinh nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, xứng đáng là tinh hoa văn hóa Việt. Nhà hát luôn khai thác, sáng tạo và phát triển không ngừng từ thiết kế sân khấu theo khuôn mẫu thủy đình truyền thống kết hợp với trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, đến đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp.
Vỡ diễn 50 kỷ niệm 50 năm thành lập. (Ảnh: nhahatmuaroithanglong.vn)
Cùng với những thành quả đã đạt được trong nghệ thuật, công tác đào tạo luôn là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Nhà hát đã liên kết với Trường Đại học Sân Khấu điện ảnh, đào tạo đại học chính quy lớp diễn viên múa rối. Bên cạnh đó các nghệ sĩ, diễn viên có kinh nghiệm cũng hỗ trợ tham gia truyền nghề cho thế hệ trẻ, với mục đích duy nhất để có được những thế hệ diễn viên trẻ tài năng kế tục chung tay giữ gìn và phát triển nghiệp rối.
Tổ chức Niên lịch và Thành tựu Việt Nam (WOWTIMES) - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trân trọng chúc mừng ngày thành lập của các đơn vị có ngày kỷ niệm trong ngày 10/10/2022. Kính chúc các Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp có nhiều thành tựu hơn trên những chặng đường tiếp theo.