(WOWTIMES- Ngày kỷ niệm) Kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2022)

09-09-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Nhà yêu nước Phan Châu Trinh, hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán. Ông sinh ngày 9/9/1872, là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.

Nhà yêu nước Phan Châu Trinh sinh ngày 09/9/1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán. Ông là người chủ trương, tổ chức Phong trào Duy Tân, cải cách đất nước.

 

Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (Hình: Báo Quảng Nam)

 

Sinh thời, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã có nhiều đóng góp lớn trên các lĩnh vực, đặc biệt là tư tưởng về canh tân đất nước. Trong số các sỹ phu đương thời và cả sau này, ông là người thấy rõ nhất những nhược điểm của con người và xã hội Việt Nam. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu...

 

Cụ Phan Châu Trinh và con trai. (Hình: tư liệu gia đình)

 

Cuộc đời vào Nam, ra Bắc, bôn ba nước ngoài tìm đường canh tân đất nước

Khoa Canh Tý (1900), Phan Châu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên.

Năm 1901, triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng thời gian này, người anh cả mất nên ông về để tang, ở nhà dạy học đến năm Quý Mão (1903) thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.

Năm 1905, ông từ quan, rồi cùng với hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (cả hai đều mới đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng.

Sau cuộc Nam du, Phan Châu Trinh ra Nghệ-Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và hội ý với các sĩ phu tiến bộ, rồi lên căn cứ Đề Thám quan sát tình hình, nhưng ông thấy phong trào này khó có thể tồn tại lâu dài.
Năm 1906ông bí mật sang Quảng Đông (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến rồi cùng sang Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều nhà chính trị tại đây (trong số đó có Lương Khải Siêu) và xem xét công cuộc duy tân của xứ sở này.

Mùa hè năm 1906, Phan Châu Trinh về nước. Việc làm đầu tiên là gửi một bức chữ Hán (quen gọi là Đầu Pháp chính phủ thư) cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Việt và sửa đổi chính sách cai trị để giúp người Việt từng bước tiến lên văn minh. Sau đó, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

 

Bìa sách Quốc gia huyết lệ của Phan Châu Trinh (Hình: Thư viện Quốc gia Pháp)

 

Tháng 7/1907, Phan Châu Trinh nhận lời mời ra Hà Nội tham gia diễn giảng mỗi tháng 2 kỳ ở Đông Kinh nghĩa thục.

Tháng 3/1908, phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra, và bị triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên trong phong trào Duy Tân bị nhà cầm quyền buộc tội đã khởi xướng phong trào chống thuế nên đều bị bắt.

Năm 1910, ông được ân xá.

Ngày 19/6/1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc", và đã gây được tiếng vang.

Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều, quen gọi là Thất Điều Trần hay Thư Thất Điều, khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể. Cũng trong năm này, ông viết bài Tỉnh quốc hồn ca mới. Xuyên suốt tác phẩm này vẫn là một đường lối cải cách dân chủ, vẫn là thực trạng tăm tối của xã hội thực dân phong kiến và những thủ đoạn tàn bạo của chính sách thuộc địa ở Việt Nam.

Thấy hoạt động ở Pháp không thu được kết quả gì, đã nhiều lần ông yêu cầu chính phủ Pháp cho ông trở về quê hương, nhưng đều không được chấp thuận.

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn nhất là học sinh nồng nhiệt chào đón. Khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Pháp xử mức án “khổ sai chung thân”, Phan Châu Trinh gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đề nghị ân xá cho Phan Bội Châu.

Ngày 24/3/1926, ông qua đời, hưởng thọ 54 tuổi. Đám tang và lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.

 

Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam dâng hoa tại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh. (Hình: T.C)

 

Tuy sự nghiệp cứu nước của Phan Châu Trinh không thành, nhưng chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do ông đề xướng và ra sức cổ xúy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)