[WOWTIMES- Top 100 Công trình trăm tuổi] (P.11) Đình Bình Thủy- dấu ấn hoài cổ 178 năm kiến trúc xứ Tây Đô (1844- 2022)

26-08-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES] Đình Bình Thủy hay còn có tên là Long Tuyền Cổ Miếu thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, được xây dựng năm 1844. Trải qua quảng thời gian thăng trầm lịch sử, Đình Bình Thủy vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của một làng cổ tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ Miếu là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất, con người Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ vào thế kỷ 19. Trải qua quảng thời gian thăng trầm lịch sử, Đình Bình Thủy vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của một làng cổ tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

                      

 

 

 

Đình là nơi thờ các vị thần linh, Bổn Cảnh Thành hoàng và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập làng xã, dạy nghề cho dân hay những người có công với nước như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập… Sự độc đáo của đình Bình Thủy còn được thể hiện ở các công trình xung quanh khu đình chính, gồm 4 miếu thờ 4 vị thần: Thần Nông, thần Hổ, thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Đây là sự khác biệt hiếm thấy ở các công trình thờ tự khác trên địa bàn cả nước.

 

 

 

 

Kiến trúc hiện nay của công trình mang dấu ấn thời đầu thế kỷ 20, với nét truyền thống nhà Nam Bộ, kết hợp với kiến trúc Pháp – được thể hiện qua những vòm cuốn, đầu cột, cửa chớp, và kiến trúc Trung Hoa thể hiện qua những hình thái và mô típ trang trí. Cấu trúc chính của đình Bình Thủy là khung gỗ kết cấu, kết hợp với tường bao xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Về tổng thể, công trình có kiến trúc đặc sắc, đậm dấu ấn truyền thống và hài hòa với cảnh quan.

 

 

 

 

Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức các ngày lễ Thượng điền, Hạ điền rất đông vui. Lễ hội có không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng, với các trò chơi dân gian như thả vịt, kéo co, hát bội, hát tiều, nữ công gia chánh… được duy trì phong phú từ xưa cho đến nay. Đây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi tham gia, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang). Hội đình Bình Thủy là một trong 3 hội đình lớn nhất miền Tây.

 

 

 

 

[WOWTIMES] Lịch sử hình thành và xây dựng của Đình Bình Thủy.

Năm 1844, Đình Bình Thủy được xây dựng.

Năm 1852 quan khâm sai đã bất ngờ gặp một trận cuồng phong khi lên đường đi tuần trên biển. Nhưng may mà ông đã ẩn nấp kịp thời tại Bình Hưng nên vẫn bình an vô sự. Sau khi thoát nạn thì để ăn mừng ông đã tổ chức tiệc ăn mừng và đổi lại tên đất Bình Hưng thành Bình Thủy, có nghĩa là “bình ổn dòng nước”. Cũng từ đó người dân địa phương cũng gọi đình thành đình Bình Thủy.

 

 

 

 

Năm 1853, người dân làng đã quyên góp tiền và cùng nhau tu sửa lại cho đình khang trang hơn.

Năm 1909, Đình Bình Thủy mới được tiếp tục xây cất và hoàn tất năm 1910. Cũng trong khoảng thời gian này đình được đổi tên thành “Long Tuyền” (có nghĩa là con rồng nằm). Đó là lý do Đình Bình Thủy còn được gọi với cái tên khác là đình Long Tuyền hay Long Tuyền cổ miếu.

 

 

 

 

Ngày 05/9/1989, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch” đã ra quyết định công nhận đình Bình Thủy là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia.

 

 

 

 

Đình Bình Thủy là một trong số ít các ngôi đình được chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ là nơi thờ cúng, tổ chức lễ hội, đây còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đại diện cho một nét văn hóa của vùng sông nước Nam bộ, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của nhân dân Bình Thủy.


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)