[WOWTIMES- Top 100 Công trình trăm tuổi] (P.6) Lịch sử 973 Chùa Một Cột- "Đóa sen" không tàn của Thủ đô văn hiến (1049- 2022)

24-08-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES] Chùa Một Cột được xây dựng năm 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông, không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội.

Chùa Một Cột có tên chữ là Diên Hựu có nghĩa là phúc lành dài lâu. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu.

                                  

 

Trong sử sách có chép lại tại vị trí chùa Một Cột bây giờ có một cột đá phía trên có ngôi lầu ngọc, trong lầu ngọc có tượng Phật Quan Âm đã được dựng ở hồ nước vuông. Nhà vua thường lui tới tụng kinh niệm phật, cầu nguyện. Khi chùa được xây dựng xong, nhà vua thường xuyên tới đây cầu nguyện cho đất nước, cho dân chúng. Sau đó ít lâu, hoàng hậu sinh hạ cho vua một hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Vua Lý Thái Tổ cho rằng đây chính là phước đức phật bà ban cho nên đã tu sửa lại chùa Một Cột thêm kiên cố và xây thêm một ngôi chùa khác cạnh chùa Một Cột để tạ ơn. Cho đến lúc này, quần thể chùa gồm chùa mới xây và chùa Một Cột được đặt tên là Diên Hựu, có nghĩa là “phước bền dài lâu”.

 

 

Tượng Phật Bà Quan Âm đặt trong chùa Một Cột

 

Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa. Cột trụ của chùa một cột được dựng bằng 2 cột đá chồng lên nhau tạo thành khối trụ đứng có chiều cao 4 m chưa tính phần chìm phía dưới chân. Đường kính cột đá rộng 1,2 m làm người nhìn có cảm giác “vững như bàn thạch”. Đài Liên hoa có hình vuông mỗi cạnh 3 m, chắn song bao lơn xung quanh, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc, phía dưới là những dầm gỗ lớn được gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn. Các mối mộng được đục chính xác đến từng ly khớp nối vừa khít với nhau tạo nên cấu trúc vô cùng vững chãi. Bên trong đài Liên Hoa được bài trí lộng lẫy sang trọng, có một án thờ bên trên đặt tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng.

 

 

Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp phật nào, chùa tuy không lớn nhưng lại mang đậm tính triết lí nhân văn ở trong: vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ. Vẻ đẹp của nó vừa có vẻ uy nghi cổ kính, lại vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát của cõi phật.

Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngày 28.4.1962, chùa Một Cột được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ngày 04.05.2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập, chùa Một Cột: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”. Ngày 10.10.2012, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã xác lập chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.

 

 

[WOWTIMES] Lịch sử hình thành và quá trình xây dựng của chùa Một Cột.

Năm 1049, Chùa Một Cột được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tông, theo sử sách ghi lại, Vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiên Tuế khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng.

Năm 1106, chùa được Vua Lý Nhân Tông cho trùng tu mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc lớn. Riêng kinh chàng trước sân chùa được thêm vào những nét mới. Kinh chàng được đặt giữa một hồ vuông thả sen gọi là hồ Linh Chiểu, trên đỉnh cột là tòa sen mạ vàng. Giữa tòa sen là ngôi điện sơn màu tía, sườn nóc điện có gắn hình tượng chim thần để trang trí và tỵ tà. Trong điện đặt tượng Phật Quan Âm mạ vàng.

 

 

Trải bao năm tháng, Chùa Một Cột được trùng tu, phục dựng nhiều lần qua các thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn.

Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đặt thuốc nổ phá Chùa Một Cột, chùa chỉ còn lại cây cột với mấy xà gỗ.

Năm 1955, Bộ Văn hóa cho trùng tu Chùa Một Cột và giao cho kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.

Năm 1962, Chùa Một Cột là một trong những công trình đầu tiên được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”.

 

 

Năm 2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập, chùa Một Cột: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”.

Năm 2012, Chùa Một Cột vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”, một lần nữa khẳng định những giá trị đặc sắc, có một không hai của công trình kiến trúc này, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển du lịch cho thủ đô Hà Nội.

 

 

Chùa Một Cột ngày nay dù chỉ là một di tích nhỏ so với tổng thể từng có trước đây, nhưng công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ nghìn xưa, được xem là biểu tượng văn hóa của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, cũng là kiến trúc độc đáo thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc.


Theo: Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)