Bảo tàng Điêu khắc Chăm là Bảo tàng về nghệ thuật điêu khắc được thành lập từ năm 1915 dưới sự bảo trợ của Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Toà nhà bảo tàng là sự kết hợp các mô típ trang trí đặc trưng của kiến trúc đền tháp Chăm với các nguyên tắc truyền thống của kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Trải qua hai lần mở rộng vào những năm 1936 và 2002, cho đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ kính, duyên dáng và không gian trưng bày thoáng đãng vốn có.
Bảo tàng hiện trưng bày hơn 400 tác phẩm tại các phòng và gần 2000 hiện vật đang lưu giữ trong kho, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bộ sưu tập đầy đủ và đặc sắc các hiện vật đại diện cho hầu hết các phong cách nghệ thuật điêu khắc đã hình thành trong lịch sử phát triển rực rỡ của vương quốc Champa. Các hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau gồm sa thạch, đồng, đất nung được sắp xếp theo các phòng trưng bày và các bộ sưu tập mang tên địa điểm phát hiện hoặc khai quật như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng…Với chủ đề đa dạng từ các biểu tượng phồn thực đến những vị thần, con vật linh trong Ấn giáo và Phật giáo, các tác phẩm đã khẳng định những giá trị văn hóa bản địa độc đáo của cư dân Champa và sự tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố ngoại lai thể hiện qua bàn tay sáng tạo tài hoa của các nghệ nhân Chăm. Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn là nơi lưu giữ 3 bảo vật quốc gia thuộc nền Văn hóa Chămpa, đó là Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu.
Tượng Bồ tát Tara
Tọa lạc ở vị trí thơ mộng bên bờ sông Hàn ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng luôn là điểm đến hấp dẫn, lý thú và bổ ích của đông đảo các du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng các bảo vật của quốc gia, các kiệt tác nghệ thuật trong không gian linh thiêng và cùng đón nhận những điều tốt đẹp, may mắn ẩn chứa trong hình tượng của từng tác phẩm.
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, nghiên cứu trao đổi, giúp học sinh sinh viên trau dồi thêm những kiến thức về văn hóa lịch sử bổ ích, về khả năng sáng tạo nghệ thuật đều ở một trình độ rất cao, thế giới thần linh kỳ bí, những câu chuyện bằng hình ảnh, các biểu tượng tôn giáo,...
Từ trước đến nay các vị nguyên thủ các nước, các đoàn khách ngoại giao khi đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng đều ưu tiên chọn Bảo tàng Điêu khắc Chăm làm điểm tham quan văn hóa trong chuyến công du của mình. Tiêu biểu là các chuyến thăm của Quốc vương Thái Lan, Ngài Prajadhipok (1930), Tổng thống Singapore, Ngài S.P.Nathan (2009); Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ, Ngài Ram Nath Kovind và Phu nhân (2018); Quốc vương Campuchia, Ngài Norodom Sihamoni (2018); các Đoàn khách ngoại giao tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng như Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Peru,Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea, Phu nhân Thủ tướng Thái Lan...
Tổng thống Pháp Jacques Chirac (Người đứng bên trái) và phòng trưng bày hiện vật Bảo tàng Chăm tại Pháp 2005
(WOWTIMES) Những cột mốc đáng nhớ trong hành trình 107 năm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Năm 1902, Ý tưởng về xây dựng ở Đà Nẵng một nhà bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm đã manh nha với một đề án của của EFEO, trong đó có sự đóng góp lớn của Henri Parmentier, chủ nhiệm Khoa Khảo cổ của EFEO.
Các hiện vật tại Công viên Tourane trước khi xây dựng Bảo tàng
Năm 1915, Toà nhà đầu tiên của Bảo tàng được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm. Hơn 20 năm trước đó, nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã được tập trung về địa điểm này, với tên gọi là “công viên Tourane”. Việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX là công lao của những người Pháp yêu ngành khảo cổ học, đặc biệt là của những người làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (L' École Française d' Extrême - Orient, viết tắt là EFEO). Một số hiện vật điêu khắc Chăm đã được chuyển về Pháp, một số khác được chuyển ra Bảo tàng tại Hà Nội và Bảo tàng tại Sài Gòn(nay là thành phố Hồ Chí Minh) nhưng phần nhiều những tác phẩm tiêu biểu vẫn còn để lại tại Đà Nẵng.
Phòng trưng bày Bảo tàng đầu tiên
Năm 1930, bảo tàng được tiến hành mở rộng lần thứ nhất nhằm đủ chỗ để trưng bày thêm những hiện vật mới được thu thập trong những năm 1920, 1930.Không gian của toà nhà bảo tàng gần 1000 m2 đã được bố trí thành những khu vực trưng bày, gồm các Phòng Trà Kiệu, Phòng Mỹ Sơn , Phòng Đồng Dương, Phòng Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.
Năm 1954 - 1975, Bảo tàng thuộc sự quản lý của Viện Khảo cổ Sài Gòn.
Năm 1963, Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Chàm Đà Nẵng (The Cham Museum, Danang).
Năm 2002, một tòa nhà 2 tầng được xây nối thêm vào phía sau, tăng thêm hơn 1000 m2 để trưng bày các hiện vật sưu tầm sau năm 1975.
Năm 2005, một kế hoạch nâng cấp bảo tàng đã được khởi động. Với sự trợ giúp của các chuyên gia Pháp thuộc dự án FSP, hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương được cải tạo và khánh thành năm 2009.
Năm 2009, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được tổ chức Guiness Việt Nam công nhận kỷ lục là một trong mười bảo tàng Việt Nam thu hút đông khách tham quan nhất.
Năm 2011, Bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Năm 2016, một dự án tổng thể do thành phố Đà Nẵng đầu tư đã trùng tu toàn diện các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày với nỗ lực nhằm tạo sự liên kết các tòa nhà của bảo tàng trong một lộ trình tham quan tổng thể, gồm phần trưng bày chính là các bộ sưu tập điêu khắc Chăm và các phòng chuyên đề về văn khắc, gốm và âm nhạc, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào Chăm hiện nay. Không gian dành cho biểu diễn và hoạt động giáo dục được đặt ở tầng 2 và khu dịch vụ được cải tạo bố trí ở sân vườn.
Hơn 100 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Bảo tàng Chăm được xem là bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, là vốn di sản quý của thành phố Đà Nẵng nói riêng và dân tộc nói chung.