[WOWTIMES- Top 100 Đơn vị 100 tuổi] (P.27) Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) – 143 năm ươm mầm thế hệ tương lai cho đất nước (1879- 2022).

04-07-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Được thành lập vào năm 1879, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là trường Trung học đầu tiên ở Nam Bộ và cũng là một trong những ngôi trường lâu đời nhất Việt Nam.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, tiền thân là Collège de My Tho, được thành lập ngày 17/3/1879 là một trong những ngôi trường lớn lâu đời của Việt Nam.

 

 

 

 

Trong suốt 143 năm, trường lưu giữ và tiếp nối truyền thống dạy giỏi - học giỏi. Từ khi thành lập cho đến thời Mỹ Diệm, Nguyễn Đình Chiểu là trường trung học quy tụ học sinh của 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây đã tập hợp nhiều nhà giáo nổi tiếng chẳng những về đức độ, về chuyên môn mà còn ở tấm lòng yêu nước, tinh thần cách mạng như giáo sư Nguyễn Văn Chì, giáo sư Lê Văn Chí… Nổi tiếng về dạy giỏi như thầy Trần Văn Ất, thầy Lê Quan Nghĩa, thầy Nguyễn Anh Bổn… GS Trần Đại Nghĩa và nhà văn Hồ Biểu Chánh là cựu học sinh của trường này. Nhiều thế hệ học sinh giành được giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, đạt được nhiều thành tựu lớn trên con đường sự nghiệp, vẫn lưu giữ mãi hình ảnh ngôi trường cổ kính, thân thương, từng gian phòng học, hành lang, hội trường, mái vòm rêu phong... trong tận đáy lòng. Niềm tự hào mang tên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.

 

 

 

 

Ngược lại với ý đồ của thực dân Pháp là mở trường đào tạo những người phục vụ cho chúng, Collège de My Tho đã trở thành chiếc nôi đào tạo trí thức cho Cách mạng VN. Từ năm 1928, nơi đây đã có chi bộ Đảng Cộng sản VN. Và qua nhiều lần đổi tên, đến năm 1953 trường vinh dự mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cho tới nay.

 

 

 

 

Đã có nhiều nhà hoạt động cách mạng, nhiều nhà khoa học nổi tiếng trưởng thành từ mái trường này như: cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, giáo sư Nguyễn Tấn Gi Trọng, tiến sĩ Phạm Văn Ngọc...

 

 

 

 

(WOWTIMES) Những cột mốc đáng nhớ trong hành trình 143 năm của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.

Ngày 17/3/1879, Thống đốc Nam Kỳ là Lafont ra Nghị định thành lập Sở Học Chính Nam Kỳ (Service de I’Instruction Publique) và tổ chức hệ thống giáo dục Pháp – Việt. Theo nghị định này, mỗi tỉnh ở Nam Kỳ đều có một trường Tiểu học. Ở Mỹ Tho, trường Tiểu học một trường Tiểu học (École Primaire) gọi là trường tỉnh (École de province), dạy tới lớp Nhứt (cours supérieur, tức lớp 5 bây giờ), trường xây bằng lá, cất ở gần khu Nhà Việc làng Điều Hòa, nay là khu Trung tâm Thương mại Mỹ Tho, bên kia đường Lê Lợi. Năm sau trường tiểu học Mỹ Tho dời đến nơi hiện nay mà trước kia là nhà của vị quan triều Tự Đức tên là Ngô Phước Hội, gần tòa bố chính.

Ngày 14/6/1880, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre De Vilers ban hành nghị thành lập trường Trung học “Collège de Mytho” tại Mỹ Tho. Chương trình học ở trường Collège de Mytho cơ bản áp dụng theo chương trình của chính phủ Pháp, có cải tiến và bổ sung một chút cho phù hợp với điều kiện ở thuộc địa và mục đích đào tạo của Pháp: tăng cường học tiếng Pháp, văn hóa Pháp, các môn khoa học kỹ thuật, hạn chế việc học chữ Hán và văn hóa Việt Nam.

 

 

 

 

Ngày 11/12/1889, vì thiếu ngân sách nên Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh đóng cửa hệ trung học, còn hệ tiểu học vẫn tiếp tục, vì thế một số học trò trung học phải lên Sài Gòn học ở trường Collège D'Adran.

Năm 1894, Collège D'Adran ngưng hoạt động nên Thống Đốc Nam Kỳ phải mở lại trường Collège de Mytho để thu nhận học trò trung học Nam Kỳ Lục tỉnh và quyết định dùng ngân sách của trường Collège D’Adran để mở lại Collège de Mytho.

Năm 1917, trường mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège Cantho (sau là trường Trung học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ).

Ngày 2/12/1942, trường đổi tên là Collège Le Myre de Vilers.

Năm 1953, Tổng trưởng giáo dục Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Thành Giung ký Nghị định 179-NĐ ngày 22 tháng 3 năm 1953 đổi tên trường thành trường trung học Nguyễn Đình Chiểu tới nay.

Từ năm 1951-1952, trường bắt đầu chuyển ngữ qua chương trình Việt. Mỗi năm thêm 1 lớp chương trình Việt thì giảm 1 lớp chương trình Pháp. Tiếng Pháp trở thành là môn học Ngoại ngữ của học sinh.

Ngày 26/08/1957, trường Nữ trung học Lê Ngọc Hân được xây dựng. Từ đó đến năm 1975, trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ dành cho nam sinh.

Tháng 10 /1975, trường tách hẳn Cấp II và mang tên trường Cấp III Nguyễn Đình Chiểu, có 73 lớp với 3.685 học sinh, giảng dạy theo chương trình mới.

 

 

 

Năm 1985, trường dựng bia truyền thống “Cách mạng - Dạy giỏi - Học giỏi” tại gần cột cờ.

Năm 2003, trường xây thêm ba phòng thí nghiệm thực hành Lý - Hoá - Sinh và một phòng dùng để giảng dạy bằng các phương tiện công nghệ thông tin. Bốn phòng này nối theo hội trường lớn làm tái lập lại trên nền đất của dãy Lầu sắt trước kia.

Năm 2008, pho tượng toàn thân bằng đá hoa cương của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được đặt phía trước bia truyền thống; tượng bán thân của Cụ được đưa về Nhà Truyền thống của trường.

Từ tháng 5/ 2012 đến tháng 5 năm 2017, trường xây mới kiến trúc 01 trệt, 03 lầu, với trang thiết bị hiện đại.

 

Cựu học sinh thành danh và giáo viên nổi bật của trường.

 

 

 

Trần Đại Nghĩa (1913–1997): Thiếu tướng, giáo sư, kỹ sư quân sự, nhà bác học.

 

 

 

Phạm Hùng (1912-1988), là một chính khách Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Việt Nam (1987-1988).

 

 

 

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát   (1913-1989).

 

 

 

Nguyễn Thành Châu, nghệ danh Năm Châu, (1906-1978).

 

 

 

Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Chấn Hùng.

 

 

và nhiều nhân vật khác:

 

  • Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958).
  • Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát   (1913-1989), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976).
  • Nguyễn Văn Kiết (1906-1987): Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên.
  • Bùi Thanh Khiết (1924 - 1984): Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Giáo sư - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998), bác sĩ Vi Trùng Học và Đông Y,  cố Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1974).
  • Ngô Tấn Nhơn (1914-2014).
  • Phạm Văn Bạch (1910 -1986): Giáo sư, Luật sư, Chánh án TAND tối cao Việt Nam
  • Giáo sư Lê Văn Chí (1907-1993): Thứ trưởng Bộ Giáo dục Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.
  • Giáo sư, Nguyễn Văn Chì (1903-1989)
  • Giáo sư bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng (1913-2006).
  • Trần Đại Nghĩa (1913–1997): Thiếu tướng,  giáo sư, kỹ sư quân sự, nhà bác học, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.
  • Viện sĩ - TS Nguyễn Duy Cương: nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
  • Hồ Hảo Hớn (1926-1967): Bí thư Thành Đoàn đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định.
  • Nguyễn An Ninh (1900 - 1943): Là nhà tư tưởng, nhà văn hoá và nhà báo lớn; một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam từ 1923 đến 1943.
  • Nguyễn Thành Châu, nghệ danh Năm Châu, (1906-1978), soạn giả, đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch, cải lương.
  • Trần Hữu Thế(1922-1995), nhà khoa học, nhà giáo dục, và chính khách nổi tiếng của Việt Nam,  tiến sĩ khoa học (1952),  cựu Tổng trưởng Giáo dục thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam.
  • Nguyễn Thành Giung, Hiệu trưởng trường niên khóa 1942-1945.
  • Nguyễn Văn Trường(1930-2018), nhà giáo và chính khách nổi tiếng của Việt Nam, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa
  • Phạm Công Thiện, (1941-2011) thi sĩ, nhà văn, triết gia, học giả, và cư sĩ Phật giáo người Việt Nam.
  • Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang.
  • Ông Lê Quang Thành: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam, Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo, Bí thư TU Đoàn TNCSHCM.
  • Nguyễn Hữu Chí, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
  • Nguyễn Thành Trung, Đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam , Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.
  • Nghệ sĩ Tám Vân (Lê Văn Tám) (1924-2009).
  • Nghệ sĩ Trần Văn Trạch, danh hài (1924- 1994).
  • Đồng Sĩ Khiêm, tiến sĩ vật lý.
  • Bùi Đức Tịnh (1923-2008), nhà nghiên cứu.
  • Tô Văn Lai, người sáng lập  ra hãng băng đĩa của người gốc Việt lớn nhất ở hải ngoại là Thúy Nga Paris,  giám đốc Trung tâm Thúy Nga, cựu giáo viên dạy môn Triết.
  • Lê Ngọc Thảo, chuyên gia thiết kế Sony, thủ khoa niên khóa 1965.
  • Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân  - Trưởng phòng thí nghiệm côn trùng học tại Pháp.
  • Tiến sĩ Võ Thành Dũng - Giáo sư Vật lý địa cầu tại Pháp.
  • Giáo sư, Tiến sĩ Trương Công Trung (1919-2006): Giáo sư, Anh hùng lao động - Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM.
  • Giáo sư Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thiện Thành (1919 – 2013),  Nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất và Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương
  • Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Chấn Hùng, Chủ Tịch Hội Ung thư VN, Nguyên  Giám Độc Bệnh Viện  Ung Bứu TP. Hồ Chí Minh
  • Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Quan Nghiệm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TP.HCM.
  • Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Tạ Văn Trầm.
  • Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà: Hiệu trưởng trường Đại học Tiền Giang.

 

Thành tích đạt được của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.

Năm 1984- 1985: Trường vinh dự nhận được Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ Trưởng

Trường vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (1987), Huân chương lao động hạng Nhì (1996), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998).

Năm 2000: Trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

 

 

 

Trường xuất sắc đạt được Danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc (2008 - 2009), Cờ thi đua hạng Nhì cấp tỉnh (2010 - 2011), hạng Ba cấp tỉnh (2011 - 2012), hạng Nhất cấp tỉnh (2012-2013), hạng Nhì cấp tỉnh (2013-2014).

 

Nguồn: Tổng hợp tin tức, (hình ảnh: internet)

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes- Nienlich.vn