Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích rộng đến 54331m2 được chia làm 5 khu chính. Được xây dựng ở phía Nam của kinh thành Thăng Long. Nhìn về tổng thể, kiến trúc của Văn Miếu Quốc Tử Giám từ cửa vào bao gồm cổng Văn Miếu, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành và nhà Thái Học. Đây là một trong những di tích có giá trị đặc biệt, phản ánh hết sức sinh động truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến, trong đó, các bia tiến sĩ hiện còn tại di tích là một di sản văn hóa nổi tiếng và là niềm tự hào của dân tộc. Theo sử sách ghi lại, Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 để thờ các bậc tiên tổ của Nho học. Đến năm 1076, Quốc Tử Giám được xây dựng bên cạnh Văn Miếu và trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Trường Quốc học đầu tiên ở nước ta, đã đào tạo được nhiều thế hệ hiền tài từ thời Lý đến thời Lê - những người đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học “kết tinh” trong di tích là “tấm gương” phản chiếu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Trong số các di tích gắn với Nho học ở nước ta, đây là một di tích Nho học tiêu biểu, có giá trị cao về mặt kiến trúc - nghệ thuật và thẩm mỹ.
[WOWTIMES] Lịch sử hình thành và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Năm 1070, dưới thời Lý, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, các vị hiền triết và làm nơi học tập của Hoàng Thái tử. Mùa xuân, năm 1075, vua Lý Nhân Tông “xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi học Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”. Năm 1076, nhà Vua cho lập Quốc Tử Giám, “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám học tập”. Từ đó về sau, trải qua các triều đại, chính sách về giáo dục, thi cử tuyển chọn nhân tài ở nước ta ngày càng được hoàn thiện: Triều đình cho tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn hiền tài cho bộ máy chính quyền của nhà nước quân chủ.
Năm 1243, Văn Miếu được đổi tên là Quốc Học Viện. Đến năm 1253 thì được đổi thành Quốc Tử Viện.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ cho phép tuyển chọn con cháu quan lại và thường dân tuấn tú vào học ở Quốc Tử Giám. Dưới triều Lê, Quốc Tử Giám đã được nâng lên thành trường đại học với qui mô lớn: Từ cửa chính Nam đi vào, hai bên là vườn bia Tiến sĩ, qua cửa Đại Thành vào sân Đại Bái; điện Đại Thành thờ Tiên thánh; Đông Vu, Tây Vu thờ các bậc Tiên Nho và Chu Văn An, điện Canh Phục để làm nơi túc yết, kho giữ đồ tế khí. Phía sau điện Đại Thành là nhà Thái Học, có giảng đường, kho chứa ván đã khắc thành sách. Bên Đông, bên Tây, mỗi bên 3 dãy, mỗi dãy 25 gian là nhà ở và học cho 300 nho sinh.
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu dựng bia đề danh Tiến sĩ để vinh danh những bậc đỗ đại khoa tại Văn Miếu, thể hiện tinh thần trọng thị hiền tài, khuyến khích học tập. Trên các bài văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội, các soạn giả văn bia cũng luôn nhắc nhở kẻ sĩ về tinh thần hiếu học, trau dồi đạo đức. Bia đề danh tiến sĩ là nguồn sử liệu quí giá, giúp cho việc nghiên cứu về tiểu sử, hành trang của nhiều danh nhân Việt Nam, như Nguyễn Trãi - người được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh.... Hơn nữa, trong số 1304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia, có tới 225 vị từng đi sứ Trung Quốc, như Nguyễn Như Đổ, Lê Quý Đôn… Điều này đã thể hiện giá trị độc đáo và khẳng định ý nghĩa quốc tế của bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ngày 28-4-1962, Bộ Văn hoá quyết định xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích lịch sử văn hoá.
Ngày 25-4-1988, UBND thành phố quyết định thành lập: Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám có chức năng nhiệm vụ: Quản lý, tổ chức hoạt động văn hoá, khoa học, nghệ thuật, hướng dẫn khách tham quan và tu bổ tôn tạo di tích.
Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội là địa chỉ văn hóa, du lịch nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Di tích, cùng Di sản Tư liệu Thế giới 82 bia Tiến sĩ mãi mãi là nơi lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa truyền thống Hiếu học, Tôn sư trọng đạo, Tôn trọng nhân tài của đất nước. Tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám công tác khuyến học vẫn được tiếp tục thực hiện. Hàng năm, nhiều trường học các cấp, các tổ chức giáo dục, dòng họ cùng hàng nghìn học sinh, sinh viên trên cả nước đều về đây tổ chức Lễ dâng hương, vinh danh, khen thưởng nhằm khuyến học, động viên thế hệ trẻ. Những hoạt động này chính là sự tiếp nối, phát huy truyền thống khuyến học tốt đẹp của cha ông ta trong điều kiện mới.