Nhà đấu giá Sotheby’s, với tên gọi đầy đủ là Sotheby's Holdings, Inc., là một trong những công ty đấu giá hàng đầu thế giới hiện nay, được thành lập tại London vào năm 1744. Ban đầu Sotheby’s bán các bản thảo quan trọng và bộ sưu tập thư viện, nhưng, bắt đầu từ giữa những năm 1950, nó ngày càng tập trung vào việc bán các tác phẩm nghệ thuật. Sotheby’s có trụ sở chính tại Thành phố New York từ thế kỷ 20, Sotheby's duy trì các văn phòng bán hàng và phòng đấu giá khác trên toàn thế giới.
Ảnh: Tripadvisor
Sotheby's hiện có mạng lưới toàn cầu với 80 văn phòng tại 40 quốc gia và doanh thu bán hàng trên toàn thế giới hàng năm của công ty hiện đã vượt quá 7 tỷ USD, Sotheby's nghiễm nhiên trở thành một trong những công ty có quy mô lớn nhất nhì thế giới.
Người sáng lập Sotheby's - Samuel Baker
Người sáng lập Sotheby's, Samuel Baker, là một người bán sách dày dạn kinh nghiệm và là một doanh nhân. Bước đầu, Baker đã rất thành công trong việc tự mình tổ chức buổi đấu giá đầu tiên.
Chân dung Samuel Baker. Ảnh: Sotheby's
Ông đã biến đổi quán rượu ồn ào ở London thành một nhà đấu giá chuyên nghiệp. Tại đây, một buổi đấu giá dưới tên ông, tổ chức với "vài trăm, cụ thể là 475 cuốn sách khan hiếm từ thư viện của Ngài John Stanley - chính trị gia Ireland." và đã kiếm được tổng cộng 826 bảng Anh.
Ông đã tạo được danh tiếng khi đấu giá các thư viện di sản quan trọng và cao quý nhất của thế kỷ 18 và các bộ sưu tập, được hình thành bởi các giáo sĩ, chính khách, các nhà kỹ nghệ. Rất nhiều chủ đề giảng dạy về học thuật, pháp lý, y tế, cổ điển và tôn giáo,... Ông được biết đến là một doanh nhân có thành công vĩ đại trong ngành.
Thời lượng đáng kinh ngạc của những buổi đấu giá sách
Thời lượng của cuộc đấu giá đầu tiên là 10 ngày, đấu giá 475 quyển sách thuộc văn học.
Vào năm 1754, một buổi đấu giá đã diễn ra xuyên suốt hai tháng, với 10.000 cuốn sách và bản thảo thuộc sở hữu của Tiến sĩ Richard Mead, bác sĩ của Vua George II. Vào dịp đó, một trong những người đấu giá thành công là vua Louis XV của Pháp, người đã mua ấn bản năm 1469 của cuốn sách Pliny's Naturalis Historia.
Nơi tổ chức buổi đấu giá đầu tiên của Sotheby vào ngày 11 tháng 3 năm 1744 ở tòa nhà Exeter Exchange. Ảnh: Thư viện thành phố Westminster
Những ngày đầu: đấu giá vật phẩm từ Công tước và Hoàng đế
Từ thư viện đồ sộ mà Hoàng đế Napoleon Bonaparte mang theo khi lưu vong tại St Helena, cây gậy đi bộ làm từ vàng và vỏ rùa của Hoàng đế cho đến các bộ sưu tập thư viện của Bá tước Sunderland, Hopetoun và Pembroke và Công tước Công tước Devonshire, York và Buckingham, đã được bán thông qua các cuộc đấu giá của Samuel Baker.
Vào mùa thu 1928, Sotheby's đấu giá những tác phẩm của Shakespeare. Ảnh: Getty
Năm 1767, Baker hợp tác với George Leigh, công ty trở thành Baker & Leigh.
Sau khi Baker mất năm 1778, nhà đấu giá được đổi tên thành Leigh và Sotheby, công ty thuộc về Leigh và cháu trai của Baker là John Sotheby. Công ty bắt đầu mở rộng sang đấu giá bán các bản in, tiền xu, huy chương và cổ vật.
Năm 1861, khi nhà Sotheby’s không còn người kế nhiệm, John Wilkinson, lên nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Ba năm sau, ông thăng chức cho Edward Grose Hodge, và tái cấu trúc lại công ty Sotheby, đổi tên thành Wilkinson và Hodg.
Tác động của các cuộc chiến tranh thế giới
Sau khi Hodge mất vào năm 1907, Sotheby's đã có những cộng sự mới cùng điều hành: Montague Barlow - là Luật sư và Nghị sĩ, Felix Warre - một chủ ngân hàng, và Geoffrey Hobson - một quan chức Bộ Ngoại giao trẻ tuổi.
Thành công lớn đầu tiên là việc bán được thư viện Huth, được thực hiện trong tất cả là 12 lần bán, kéo dài 11 năm (từ 1911-1922), và thu về 300.000 bảng Anh (tương đương 360.000 USD ở thời điểm đó).
Thành công thứ hai, trong mùa hè năm 1917, họ đã chuyển cơ sở của công ty từ Wellington Street - ngoài Strand - đến 34-35 New Bond Street ở Mayfair. Điều này đã đưa Sotheby's từ trung tâm của thế giới sách trở thành trung tâm của thế giới nghệ thuật.
Sotheby's london đã bán bộ sưu tập của Dutch Banker William Weinberg vào tháng 7 năm 1957. Sự có mặt của Nữ hoàng Elizabeth II thu hút được sự chú ý của truyền thông. Ảnh: UllsteinBild
Sau Thế chiến II, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Peter C. Wilson, Sotheby's được thành lập tại Thành phố New York và vào năm 1964 đã mua lại Parke-Bernet Galleries, nhà đấu giá hàng đầu của Mỹ (thành lập năm 1883).
Tiến tới toàn cầu hóa
Sau khi mở văn phòng tại New York vào năm 1964, Sotheby's đã mua lại Parke-Bernet, nhà đấu giá mỹ thuật lớn nhất của Mỹ. Điều này đã mở đầu một chương trình mở rộng, với việc công ty trở thành nhà đấu giá quốc tế đầu tiên tiến hành bán đấu giá ở Hồng Kông (1973), Nga (1988), Ấn Độ (1992) và Pháp (2001), và là nhà đấu giá đầu tiên có mặt tại Trung Quốc - hiện là nhà đấu giá có doanh thu lớn nhất (2012).
Bộ sưu tập mang tính biểu tượng và Thế giới đương đại
Sotheby's mạnh tay bán bộ sưu tập Goldschmidt vào năm 1958, với mức giá cao ngất ngưởng (vào thời điểm đó), được coi là sự kiện báo trước sự bùng nổ cuối thế kỷ 20 trong ngành bán đồ mỹ nghệ.
Một trong những cuộc đấu giá ngoạn mục nhất diễn ra ba năm sau đó, khi tác phẩm tranh "Aristotle đang chiêm ngưỡng bức tượng bán thân của Homer" đã được Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York mua với giá 2,3 triệu USD.
Tác phẩm tranh: Aristotle Chiêm ngưỡng bức tượng bán thân của Homer. Ảnh: Steven Zucker
Những năm 1980 đến những năm 2000 đã chứng kiến mức giá kỷ lục tại Sotheby's cho các kiệt tác của thế kỷ 20, bao gồm tác phẩm Garçon à la pipe của Picasso, được bán ở New York với giá 104,2 triệu USD (2004) và Warhol's Silver Car Crash (Double Disaster) giá 108,4 triệu USD (2013).
Tại London, bức tranh The Massacre of the Innocents của Rubens đã đạt được giá bán 49,5 triệu bảng Anh vào năm 2002. Ảnh: Wikipedia
Việc bán các bộ sưu tập của những nhân vật nổi tiếng như Andy Warhol (1988), Greta Garbo (1990), Công tước và Nữ công tước xứ Windsor (1998),... và những phiên đấu giá các tác phẩm trực tiếp từ nghệ sĩ, đã trở thành biểu tượng cho sự thống trị của thị trường nghệ thuật Đương đại.
Năm 2012, việc tác phẩm The Scream của Edvard Munch - được The New York Times mô tả như một “chiến tích đấu giá”.
Ngày 16/06/2022 tại buổi đấu giá Manificent Jewels ở Hồng Kông, Sotheby's đã bán viên đấu giá viên kim cương 101,4 carat với giá 12,9 triệu USD được mua bởi một nhà sưu tập châu Á.
Viên kim cương Juno được bán tại phiên đấu giá Manificent Jewwels. Ảnh: Luxlifestyle
Những tác phẩm đắt nhất của các tác giả Việt Nam từng được Sotheby's đấu giá thành công sau khi trưng bày tại triển lãm Hồn xưa bến lạ. Ảnh: Sotheby's
Ngày 11-14/07/2022, Sotheby's đã mở cuộc triển lãm "Timeless Souls: Beyond the Voyage – Hồn Xưa Bến Lạ" - Triển lãm đầu tiên của Sotheby’s tại Việt Nam, góp phần vào việc đưa nghệ thuật Việt Nam vượt qua những rào cản về địa lý...
Vào tháng 7/2016, công ty bảo hiểm Taikang Life của Trung Quốc trở thành cổ đông lớn nhất của Sotheby. Vào tháng 6/2019, Sotheby's thông báo rằng công ty được mua lại bởi doanh nhân người Pháp gốc Israel Patrick Drahi với mức giá cao hơn 61% định giá của thị trường.
Sotheby’s hiện tại hoạt động trên nhiều lĩnh vực bao gồm: Sotheby's Institute of Art (một cơ sở giáo dục), Sotheby's International Realty (đại lý bất động sản) và RM Sotheby's (đại lý xe cổ). Đây đều là các công ty con hoặc tổ chức đối tác.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đã khiến cánh cửa của nhà đấu giá sang trọng bậc nhất Sotheby's mở rộng đối với các kênh kỹ thuật số, và tổ chức các Phiên đấu giá trực tuyến, phòng triển lãm từ xa các tác phẩm nghệ thuật. Và Sotheby's cũng đang tham gia vào mảng đấu giá các tác phẩm NFT (non fungible token) - xu hướng trong thời gian gần đây.
Thu Phương (tổng hợp)
Link gốc: https://vietnambusinessinsider.vn/lich-su-sothebys-nha-dau-gia-lon-nhat-the-gioi-hon-275-nam-tuoi-doanh-thu-hon-7-ty-usd-a27915.html