Ông Nguyễn Sỹ Hồ (quê Hương Trạch - Hương Khê - Hà Tĩnh), nguyên là giáo viên Toán trường THPT Tân Uyên, Bình Dương, nay đã nghỉ hưu. Được biết ông đã xin nghỉ trước tuổi để tập trung thời gian, sức lực vào việc chụp hình, lấy thông tin phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang Liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc để đưa lên mạng xã hội, website nhằm giúp đỡ thân nhân các gia đình Liệt sĩ dò tìm phần mộ của người thân.
Ông Nguyễn Sỹ Hồ
Từ nỗi đau thương mất mát vì chiến tranh xâm lược của chính gia đình mình cũng như hàng triệu gia đình khác trên cả nước, từ niềm hạnh phúc vỡ òa sau hơn 31 năm lang bạt kiếm tìm nơi yên nghỉ của người anh hi sinh trên chiến trường miền Nam đã khiến ông chọn nhiệm vụ thiêng liêng: tìm kiếm thông tin, chụp hình các phần mộ Liệt sĩ để đưa lên mạng xã hội, website nhằm giúp các gia đình có cơ hội tìm được mộ phần của các Liệt sĩ.
Ông Hồ bên mộ của anh trai, Liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa
Ông đã đi dọc chiều dài đất nước, đến các nghĩa trang tại các tỉnh thành, chụp ảnh các bia mộ Liệt sĩ vô danh hay chưa có thông tin đầy đủ, sau đó lưu vào máy tính rồi phân loại, phân tích thông tin, một mặt đưa lên website http://www.nguoiduado.vn, mặt khác viết thư báo tin những ảnh bia mộ mà ông cho rằng gia đình chưa biết. Ông cũng sẵn sàng đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục để các gia đình có thể nhanh chóng đưa vong linh các anh hùng Liệt sĩ về lại với quê Cha đất Tổ.
10 năm với công việc thầm lặng ông đã làm nên những điều kỳ diệu.
Website Nguoiduado.vn, nơi ông Hồ đăng tải các thông tin, hình ảnh, tài liệu về các Liệt sĩ
Đến nay, ông đã thu thập được thông tin tại 330 Nghĩa trang Liệt sĩ trên cả nước, với khoảng 160.000 tấm ảnh bia mộ Liệt sĩ, ảnh Nghĩa trang Liệt sĩ. Công trình của ông đã giúp được khoảng 5000 gia đình liệt sĩ, tiết kiệm cho xã hội, cho các gia đình liệt sĩ hàng trăm tỉ đồng. Và hơn hết, thông tin của ông đã giúp cho cả nghìn gia đình tìm được người thân, giúp các Liệt sĩ sau nhiều năm lạnh lẽo dưới lòng đất chiến trường hoặc dưới các tấm bia liệt sĩ vô danh.
Các nghĩa trang Liệt sĩ ông đã đi qua, các bia mộ đã chụp hình đều được ông thống kê trên website, tiện cho thân nhân các Liệt sĩ tìm kiếm thông tin
Dù thế, ông cho biết “Tôi không muốn thống kê số gia đình đã được tôi tìm giúp mộ người thân bởi tôi tâm niệm: "Hãy quên những người mình đã giúp và luôn luôn nhớ những người mình chưa giúp được."
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên mảnh đất hình chữ S vẫn còn những vết thương chưa thể liền da. Nhiều gia đình Liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy mộ phần của người thân, những tấm mộ liệt sĩ vô danh vẫn là nỗi niềm canh cánh, khôn nguôi của người thân và xã hội. Niềm trăn trở, những khát khao đem lại niềm hạnh phúc tìm được mộ người thân hi sinh trong chiến tranh không khi nào vơi trong tâm trí ông, nên đến nay, sau 10 năm lặng lẽ, ông giáo về hưu cùng vợ vẫn rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, tiếp tục hành trình thiêng liêng của mình, dù đó là một con đường chất chồng những thử thách, khó khăn.
Ông là "Người đưa đò thầm lặng" để góp phần tìm lại mộ phần của những con người đã làm nên lịch sử