[Vietkings - Tin Hay Không Tin Thế Giới] Lọ nước tương quen thuộc trong các quán dimsum là do người Nhật phát minh ra

07-02-2023

Nhiều anh em chắc hẳn đã quen quá thuộc với hình ảnh những chai nước tương nắp đỏ trong các quán ăn, chủ yếu ở Việt Nam là những quán dimsum, hủ tiếu. Cũng vì xuất hiện trong nhiều quán người Hoa mà mình đó giờ cứ nghĩ mấy chai đó gắn liền với văn hoá người Hoa không đó. Nhưng qua tìm hiểu thì mình mới biết rằng, thực tế những chai nước tương thuỷ tinh tưởng chừng nhỏ bé đó lại là biểu tượng gắn liền với thương hiệu Kikkoman, do người Nhật phát minh ra.

Cha đẻ của chai đựng nước tương quen thuộc


 

hiroshima.jpg


Khi mới 16 tuổi và vừa mới rời khỏi học viện hải quân, Kenji Ekuan đã chứng kiến cảnh tàn phá của quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima. Quay trở về nhá và chứng kiến toàn bộ thành phố bị phá huỷ, em gái thì qua đời, còn cha ông một tu sĩ Phật giáo đang trông coi ngôi chùa địa phương, cũng qua đời 1 năm sau đó vì phóng xạ. Sự mất mát và huỷ diệt đó đã khiến Ekuan rất hoài niệm sâu sắc về quá khứ, văn hoá nhân loại và cả việc giữ gìn nó. “Tôi cần thứ gì đó có thể chạm vào và nhìn vào. Ngay sau đó tôi quyết định trở thành 1 người chế tạo.”


Ekuan đã tham gia một khoá đào tạo để trở thành 1 nhà sư Phật giáo ở Kyoto nhưng nhanh chóng bỏ dở nó. Khi nhìn thấy những tàn tích còn sót lại trên đường phố, bên cạnh những chiếc xe jeep và quần gabardine được ủi phẳng phiu, trông giống như một “cuộc triển lãm di động ca ngợi những ưu điểm của phát minh Mỹ.” Ekuan quyết định đăng ký học tại đại học Mỹ thuật và âm nhạc quốc gia ở Tokyo, đồng thời kêu gọi những sinh viên cùng trường hình thành lên “lối sống Nhật Bản” đương đại.
 

Một phát minh vì văn hoá Nhật Bản


 

kikkoman-8.jpeg


Sau khi tốt nghiệp, Ekuan thành lập công ty GK Industrial Design Associates vào năm 1957 và bắt đầu sự nghiệp với đơn yêu cầu từ Kikkoman. Một trong những món đồ vật nổi tiếng nhất trong sự nghiệp thiết kế 60 năm của ông bao gồm tàu cao tốc Akita, xe máy Yamaha và cả chai đựng nước tương Kikkoman.


Quay trở lại chai nước tương Kikkoman. Phải mất 3 năm để Ekuan và nhóm của ông tạo ra thiết kế mang hình dạng giọt nước. Đều dựa trên nguyên lý vòi ấm trà, nhưng đã 100 nguyên mẫu được thử nghiệm loại bỏ vì dung dịch bên trong bị kẹt không thể chảy ra.


 

kikkoman-3.jpg


Được giới thiệu vào năm 1961, mẫu thiết kế nước tương Kikkoman vẫn là 1 sản phẩm bán chạy nổi tiếng cả trong và ngoài Nhật Bản. Hơn 300 triệu chai đã được bán ra tại 70 quốc gia. Năm 2007, để đánh dấu 50 năm hoạt động tại Mỹ, Kikkoman đã phát hành chai nước tương nắp vàng. Dù có nhiều phiên bản khác nhau với mục đích ăn mừng, chai nước tương nắp đỏ vẫn là biểu tượng truyền thống và được yêu thích nhất.


“Đối với tôi, chai nước tương không đại diện cho 1 nước Nhật mới mà là một nước Nhật thực sự. Hình dáng nhẹ nhàng, điều mà chúng tôi đã buộc phải thay đổi trong thời chiến. Nhưng trong suốt 1 thời gian dài, khoảng 1000 năm, lịch sử của người Nhật vốn rất nhẹ nhàng.” - Kenji Ekuan chia sẻ.

kikkoman-25.jpg

 

Ảnh hưởng nhiều từ những triết lý Phật giáo, các thiết kế phát minh của Ekuan không hướng đến sự sang trọng, xa xỉ như những khu nghỉ dưỡng cao vút mà thay vào đó, ông tập trung vào giải quyết vấn đề cho càng nhiều người càng tốt. Chẳng hạn như những chuyến tàu điện được hàng nghìn người sử dụng hàng ngày, logo cho các thành phố, cửa hàng tiện lợi và cả máy phân phối Kikkoman. Ekuan cũng là người thiết kế xe máy Yamaha VMAX và 1 số xe lửa bao gồm seri 253 Narita Express và logo cho Ministop.
 

kikkoman-5.jpeg

 

Trước khi qua đời vào năm 2015, ông từng là chủ tịch của Viện Thiết kế Nhật Bản, giữ vai trò hiệu trưởng của Đại học Nghệ thuật và Văn hóa Shizuoka và là ủy viên quản trị của Đại học Thiết kế Trung tâm Nghệ thuật.


Những đặc điểm của chai nước tương biểu tượng


 

kikkoman-16.jpg

Trước khi có loại chai mới do Ekuan phát minh, trên thị trường chỉ có những chai nước tương thuỷ tinh 1,8L. Người tiêu dùng sẽ mua những chai lớn về và chiết sang những chai nhỏ hơn, chủ yếu là bằng gốm và không thể nhìn vào dung dịch bên trong. Đây chính là hình ảnh rất quen thuộc ở các gia đình Nhật Bản, gia đình ông cũng không ngoại lệ. Ekuan từng chứng kiến mẹ mình không ít lần làm nước tương đổ ra ngoài vì bất cẩn.
 

kikkoman-13.jpg

 

Vì thế tiêu chí hàng đầu của Ekuan khi thiết kế chai nước tương là nó phải dễ dàng cầm lên và hạ xuống khi cần. Thiết kế cổ hẹp giúp dễ cầm, phần đế rộng giúp đứng ổn định trên mặt bàn. Việc dùng thuỷ tinh là 1 cách đơn giản để giúp người tiêu dùng có thể nhận ra khi nào khi lấp đầy dung dịch bên trong. Thêm vào đó, miệng chai cũng đủ rộng để việc đổ đầy tiện lợi, nhanh chóng và hạn chế tình trạng tràn ra ngoài.


 

kikkoman-10.jpg

Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở chai đựng nước tương này nằm ở phần nắp. Vì nó có thể giải quyết 1 vấn đề phổ biến thường gặp những chai lọ khi đó. Nước tương có độ sánh và thường có xu hướng nhỏ giọt từ các lọ đựng mỗi khi người ta sử dụng xong và đặt xuống bàn. Sau hàng trăm lần thử, Ekuan đã tìm ra giải pháp, đó là một cái vòi ngược. Thay vì có góc hướng xuống dưới, giống như ấm trà truyền thống, chai nước tương của Kikkoman có vòi hướng lên trên, khiến giọt nước bị đọng ở phần miệng sẽ chảy ngược vào khi chai đứng thẳng.


Ngoài ra, nắp chai sẽ có 2 vòi để người tiêu dùng có thể kiểm soát được tốc độ rót nước tương bằng ngón tay đặt lên trên đó. Khi không bịt kín vòi thứ 2, không khí đi vào nhiều hơn và lượng nước tương cũng đổ ra nhanh và nhiều hơn.


Bối cảnh thời điểm chai Kikkoman được giới thiệu


Ekuan từng giải thích lý do ông chọn thiết kế chai đựng nước tương là ông muốn một thứ gì đó gần gũi với Nhật hơn. Trong 1 lần đến Paris và bị ốm nặng, khi ăn nước tương, tình trạng của ông đã được cải thiện và khiến ông nhớ về quê hương. Bên cạnh đó, nhiều người phương Tây khi đến sân bay Tokyo nhận xét rằng nơi đây phản phất mùi như nước tương.


 

kikkoman-22.jpg


1961 - năm mà chai nước tương Kikkoman ra mắt cũng là một thời điểm vô cùng quan trọng đối với nước Nhật. Khi mà quốc gia này đang tìm cách xây dựng và định hình lại mọi thứ và rất cần 1 thứ gì đó mang tính biểu tượng để giới thiệu với thế giới. Trong khi đó, từ lâu nước tương đã là 1 phần của ẩm thực Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Một sản phẩm chai đựng nước tương vừa làm hài lòng những người tự hào về di sản và truyền thống của quốc gia đồng thời là sản phẩm của một Nhật Bản mới, đương đại là một sự lựa chọn hợp lý.
 

kikkoman-14.jpg

Cũng vì thế, chai nước tương Kikkoman được xem như 1 trong những ví dụ đầu tiên về trào lưu xuất khẩu văn hoá của Nhật Bản. Mở đường cho những thứ khác như sushi, ramen,… hay nhân vật Godzilla,…


Bảo hộ nhãn hiệu
 

kikkoman-24.jpg


Vào ngày 30/3/2018, chai đựng nước tương Kikkoman được đăng ký thành công bảo hộ nhãn hiệu 3 chiều ở Nhật Bản. Luật này nghĩa là nhãn hiệu ở hình dạng 3 chiều, màu sắc, ký tự, hình, dấu hiệu hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của chúng được 1 nhãn hiệu khác sử dụng lại. Thông thường, các nhãn hiệu sẽ thường liệt kê logo hoặc tên của sản phẩm vào giấy bảo hộ. Tuy nhiên, chai nước tương Kikkoman là một trường hợp hiếm hoi được phép đăng ký mà không có logo hoặc tên sản phẩm được in trên đó.
 

kikkoman-7.jpg

Do đó, người ta thừa nhận rằng ngay cả khi không có logo hoặc tên sản phẩm, chai nước tương Kikkoman vẫn có tầm nhận diện cao nhờ vào thiết kế đặc trưng của nó. Tính từ lúc được giới thiệu đến ngày 31/3/2018, sản phẩm này đã bán được hơn 500 triệu chai.

Theo Tinh Tế

https://tinhte.vn/thread/ban-co-biet-lo-nuoc-tuong-quen-thuoc-trong-cac-quan-dimsum-la-do-nguoi-nhat-phat-minh-ra.3629189/