“Tôi viết truyện tình toàn chữ T với mục đích nêu bật sự phong phú, đa dạng của Tiếng Việt…”

02-10-2013

Ngày 23.4.2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố cuốn Truyện tình toàn chữ T của tác giả Nguyễn Ngọc Phi được Xác lập kỷ lục : "Truyện tình toàn chữ T có số lượng từ T nhiều nhất”.


Đến Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 26 (21.9.2013), tại khách sạn Rex (TPHCM), Linh mục Nguyễn Ngọc Phi đã hân hoan, vinh dự lên khán đài nhận bằng Xác lập kỷ lục.
Cổng Thông tin kỷ lục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Linh mục xung quanh tác phẩm truyện tình độc đáo này:

- Ông có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?

Tôi tên Nguyễn Ngọc Phi và tên Thánh là Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi. Viết nhạc, làm thơ tôi lấy bút hiệu Thạch Ngọc – PP. Tôi sinh ngày 23 tháng 04 năm 1967 (trùng với ngày công bố kỷ lục, Ngày đọc sách thế giới).
Tôi được thụ phong Linh mục ngày 22.06.2001. Hiện là Linh mục Quản xứ giáo xứ Phước Tường, giáo phận Đà Nẵng. Số 311/2A Trường Chinh, Đà Nẵng



- Mục đích hay hoàn cảnh nào khiến ông viết một câu chuyện toàn chữ T vậy?

Thật đơn giản, trong thời gian tôi tu học tại Đại Chủng viện Xuân Bích Huế (7 năm- từ 1994 đến 2001), tôi vẫn thường dịch những cuốn sách hay, bổ ích, hoặc viết nhạc (vì tôi cũng là nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Hà Nội), viết những câu chuyện ngắn, chuyện ngụ ngôn (hiện nay tôi có khoảng trên 200 chuyện ngụ ngôn và các báo vẫn đăng thường xuyên và có cả mục riêng của tôi trên báo, đó là mục: "Ngụ Ngôn Cha Phi", chẳng hạn như báo "Thánh Nhạc Ngày Nay"  và "Người Công Giáo Việt Nam").
Năm thứ 7, tu học tại Đại Chủng Viện, cũng là năm cuối cùng, thời gian đó, tôi viết cuốn chuyện toàn chữ T này để kỷ niệm một chặng đường tu học và tôi đã viết hoàn tất cuốn đó trong khoảng 3 (ba) ngày.
Mục đích khi viết câu chuyện chữ T là để nêu bật lên sự phong phú và đa dạng của tiếng Việt Nam, và chỉ riêng tiếng Việt Nam mới có thể viết được mà thôi, ngoài ra không có một ngôn ngữ nào khác có thể viết được. Trong Từ điển tiếng Việt, vần "T" chỉ có vài trăm từ T mà thôi thế mà qua sự sắp xếp và hoán đổi vị trí câu chữ thì một câu chuyện đã ra đời như vậy đó.
Truyện trữ tình toàn tự "T” ThầyTổng Thánh Tađêô Trần Trung Thành là hoàn toàn hư cấu - từ cốt truyện cho đến khung cảnh và nhân vật. Truyện kể lại cuộc đời của nhân vật chính là Thầy Tổng Thánh Tađêô Trần Trung Thành.
Tôi viết ra với mục đích là nêu bật lên sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Chỉ duy một chữ đầu "T” thôi, mà qua sự suy tính sắp xếp công phu đã tạo nên một cốt truyện khá trữ tình với nội dung hẳn hòi. Đây là tính độc đáo của tiếng Việt mình, mà không phải ngôn ngữ nào cũng có được.



 - Khi viết một câu truyện dài, toàn vần T như vậy, ông thấy khó nhất ở điểm nào?

Truyện này tôi viết liền một mạch trong vòng 3 ngày nên không thấy khó khăn gì cả.
Đối với tôi cái khó ở đây là cách thức sắp xếp chữ với nhau, bởi vì chữ T này đứng riêng thì có nghĩa khác, sắp xếp với chữ T này thì lại có nghĩa khác, sắp xếp với chữ T khác thì lại cho ra nghĩa khác. Cái tài tình của tiếng Việt là ở chỗ đó. Bởi vì tiếng Việt là tiếng đơn âm và nó bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng Hán.

- Sau cuốn tiểu thuyết toàn chữ T này, ông có định sáng tác tiếp cuốn tiểu thuyết chuyên về một vần nào nữa không, như kiểu toàn chữ b, hoặc chữ P chẳng hạn?

Sau cuốn toàn chữ T này, đã từng có lần tôi định viết một cuốn khác toàn chữ N, khi giáo xứ Nhượng Nghĩa kỷ niệm 50 năm thành lập. Tôi dự định viết hai chương về sự hình thành của giáo xứ này, đó là các chương
-Chương 1: Nhượng Nghĩa năm nào
-Chương 2: Nhượng nghĩa ngày nay
Nhưng vì công việc dồn dập nên tôi chưa hoàn thành câu chuyện này được. Tạm gác lại đó.Tôi nghĩ trong tương lai khi nào rãnh rỗi và có hứng thì tôi sẽ tiếp tục viết.

-Ông có nghĩ tác phẩm toàn chữ T của mình góp phần làm phong phú thêm cho Tiếng Việt không?

Theo tôi nghĩ, tác phẩm toàn chữ T của tôi góp phần rất nhiều cho sự phong phú và đa dạng của tiếng Việt, bởi vì như tôi đã nói, chỉ duy nhất có tiếng Việt mới có thể viết được cầu chuyện toàn một vần, ngoài ra không hề có một ngôn ngữ nào khác trên thế giới có thể viết được như vậy, lý do như tôi đã nói ở trên, tiếng Việt là tiếng đơn âm.
Cách đây khoảng gần 10 năm về trước, tôi có tặng cho phái đoàn của Tòa Thánh một số cuốn sách của tôi, trong đó có cuốn toàn chữ T này, và đã được khen ngợi và đặc biệt tôi được Đức Hồng Y tặng cho một huân chương Tòa Thánh (Medaglia Pontificia) vào ngày Chủ Nhật 13/10/2002 mà hiện nay tôi vẫn đang cất giữ. Đây là một kỷ niệm đáng ghi nhớ của cuộc đời tôi.

- Cảm nhận của ông về những câu truyện có toàn 1 vần. (VD: toàn vấn T,  b, p, c…)?

Để viết được một câu chuyện duy chỉ một vần (truyện chữ T chẳng hạn) thì đòi hỏi người viết phải có một trí thông minh nhanh nhạy và sắc bén, một tư duy linh hoạt và nhất là có mục đích rõ ràng là làm cho nổi bật lên sự phong phú và đa dạng của tiếng Việt mình.
Chắc chắn đây không phải là một vấn đề dễ dàng, nhất là khi viết nên câu chuyện cả 9.000 từ toàn một vần như cuốn truyện toàn từ T của tôi.

- Chân thành cám ơn Linh mục!

                            Quỳnh Châu 
Cẩm nang Thông tin kỷ lục