[ĐIỂM ĐẾN ĐẦU NĂM] Đỉnh thiêng Yên Tử

21-01-2023

(kyluc.vn / nienlich.vn) Ẩn mình trong vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử mang nét cổ kính trầm mặc, gắn liền với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam. Nơi đây dã trở thành một trong những điểm đến tâm linh lý tưởng của người Việt trong dịp đầu năm.

 

DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH YÊN TỬ

Yên Tử là một dãy núi trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

 

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử nhộn nhịp khách du lịch mỗi dịp lễ, tết. (Ảnh: internet)

 

Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…, nơi có những kiến trúc cổ truyền như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ. Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2686ha, trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm... Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp…Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa... Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa.

 

Cảnh sắc hùng vĩ nơi đỉnh thiêng Yên Tử. (Ảnh: internet)

 

LỄ HỘI YÊN TỬ – LỄ BÁI NHÂN MONG CẦU MỘT NĂM BÌNH AN, TỐT ĐẸP

Lễ hội Yên Tử được diễn ra trong suốt 3 tháng mùa xuân, nó bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng ba. Với quan niệm tâm linh và lòng biết ơn sâu sắc, lễ hội đã thu hút hàng nghìn phật tử, con hương và các du khách từ mọi miền về đây tham dự, cầu mong một năm mới an lành và mọi chuyện suôn sẻ.

 

Lễ hội Yên Tử được diễn ra trong suốt 3 tháng mùa xuân. (Ảnh: internet)

 

Lễ khai hội sẽ được bắt đầu diễn ra vào sáng mùng 10 tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với những phần lễ trang nghiêm, mang ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc. Tại đây, các vị chư tăng hòa thượng sẽ tiến hành thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an. Tiếp đến, các đại biểu sẽ lần lượt thực hiện đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử. Sau nghi lễ khai hội du khách sẽ được tham quan khu Trung tâm lễ hội, thượng sơn lễ Phật, làng hành hương hoặc tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, chọi gà, giải cờ tướng kỳ vương Yên Tử,… ,thưởng thức các màn trình diễn độc đáo như: Văn nghệ truyền thống tại khu vực đình làng hành hương Yên Tử, võ thuật cổ truyền, nghệ thuật múa rồng.

 

Sương mờ trên đỉnh Yên Tử. (Ảnh: internet)

 

Dọc đoạn đường chinh phục núi Yên Tử được ước tính có khoảng hơn 11 ngồi chùa và hàng chục am, tháp. Đặc biệt là ngọn tháp cao 3 tầng được xây dựng bằng đá có niên đại cổ nhất vào năm 1758 và suối Giải Oan tại chùa Giải Oan - Nơi gắn liền với hàng trăm câu chuyện cung nữ xưa kia đã trẫm mình xuống dòng nước đấy, để tỏ lòng thành với vua Trần Nhân Tông…

 

Suối Giải Oan - Nơi gắn liền với hàng trăm câu chuyện cung nữ xưa kia đã trẫm mình xuống dòng nước đấy, để tỏ lòng thành với vua Trần Nhân Tông. (Ảnh: internet)

 

Ngày nay, việc di chuyển lên núi Yên Tử không còn là vấn đề khó khăn. Du khách có thể lựa chọn trải nghiệm leo núi hoặc cáp treo. Từ đỉnh núi, trong không khí phảng phất hơi thở của sự linh thiêng, có thể phóng xa tầm mắt để chiêm ngưỡng những cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ của đất trời Hạ Long. Khi đạt được đến độ cao 1.068m, chùa Đồng - điểm đến cuối cùng cho hành trình. Du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh và bình yên cho tâm hồn, tại nơi được coi như là một đài sen trên đỉnh núi Yên Tử.

 

 

"Đài sen trên đỉnh núi Yên Tử". (Ảnh: internet)

 

Yên Tử còn được mệnh danh là “đất tổ Phật giáo Việt Nam”, nơi mà những tín đồ phần tử từ khắp mọi nơi tìm về để hành hương. Vào những dịp lễ tết, đầu năm, nơi đây trở thành điểm du xuân được nhiều du khách lựa chọn để cầu mong cho một năm mới thật bình an.

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)