Sở hữu chiều dài 2.550 km, nhưng chiều rộng trung bình chỉ khoảng 69 km cùng độ sâu lên đến 10.971 m, rãnh Mariana chính là nơi “tận cùng” của trái đất (rãnh sâu nhất của trái đất). Tại đáy của rãnh Mariana thì nước tạo ra một áp lực lên tới 108,6 MPa. Với độ sâu hơn 10 km của mình, đáy của rãnh Mariana có thể coi là một trong những môi trường sống khắc nghiệt nhất thế giới.
Ở nơi đây, ánh mặt trời không thể chiếu đến, nước biển thì lạnh cắt da cắt thịt. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất, phải kể đến áp suất khủng khiếp mà nước biển gây ra ở độ sâu này.
Hãy tưởng tượng rằng, nếu bạn bị thả xuống điểm tận cùng của rãnh Mariana, thì mỗi inch vuông trên cơ thể sẽ phải chịu một áp lực lên tới 8 tấn. Vực thẳm này như là một thế giới hoàn toàn khác với nơi mà chúng ta đang sinh sống, từ những yếu tố môi trường siêu khắc nghiệt, cấu tạo địa hình khác lạ cho đến hệ sinh vật mà bạn không tin rằng chúng tồn tại trên đời.
Sở hữu một áp suất “kinh hoàng” cùng bóng tối bao phủ suốt ngày đêm, những tưởng không thể tồn tại một sự sống nào ở rãnh Mariana, nhưng thực tế, các nhà khoa học đã khám phá ra rất nhiều loài sinh vật “cực dị” đang sinh sống tại nơi sâu nhất trái đất này.
Gần đây nhất, các nhà khoa học đã khám phá ra một loài cá lạ, chúng có thể chịu được áp lực nước tương đương với 1.600 con voi đè lên. Ngoài ra, còn có nhiều loài cá tại đây có đôi mắt khổng lồi nhằm giúp chúng có thể "bắt" được những tia sáng hiếm hoi nơi "tận cùng" thế giới này.
Một số khác thì hoàn toàn không có khả năng thị giác, đổi lại là sự phát triển mạnh mẽ về xúc giác để có thể cảm nhận con mồi hoặc tự phát sáng để thu hút con mồi lại gần mình.
Ở rãnh Mariana tồn tại một nơi gọi là “Miệng Champagne”. Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi nơi đây chính là tập hợp những lỗ thủy nhiệt phun ra các dòng khí CO2 tinh khiết, từ sâu trong lòng trái đất, tạo ra hiện tượng sủi bọt mạnh mẽ, tựa như khi ta mở nắp một chai champagne.
Điều đặc biệt là áp suất mà dòng khí này phun ra đủ để nghiền nát cơ thể con người, đồng thời nó cũng tạo ra hiệu ứng nhiệt làm sôi nước biển ở xung quanh, tuy nhiên lại là nguồn cung cấp năng lượng “vô tận” cho các loài sinh vật ở đáy vực này.