[Bình chọn TOP 2022 – Hành trình quảng bá Việt Nam] TOP 5 món kẹo đặc sản địa phương ai ghé thăm cũng phải mua về làm quà

19-07-2022

(kyluc.vn) – Kẹo không chỉ là một món ăn được nhiều người yêu thích bởi sự ngọt ngào mà còn là một thức quà thơm thảo, mang đặc trưng của riêng của từng vừng địa lý, rất phù hợp để tặng cho bạn bè, người thân sau mỗi chuyến đi xa. Chính vì vậy, Trung tâm Top Việt Nam khởi động chương trình bình chọn top 5 món kẹo đặc sản địa phương ai ghé thăm cũng phải mua về làm quà nhằm giúp quý bạn đọc hiểu thêm về sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam.

1. Kẹo gương (Quảng Ngãi)

“Ai về Quảng Ngãi quê ta,

Mía ngon đường cát trắng ngà dễ ăn.

Mạch nha, đường phổi, đường phèn,

Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại ghiền!”

 

 

Được gọi là kẹo gương vì miếng kẹo trong suốt như pha lê và giòn tan, dễ vỡ như gương. Kẹo gương từ xưa sản xuất chủ yếu ở Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa nhưng hiện nay kẹo gương có mặt khắp nơi ở Quảng Ngãi, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố.

Kẹo gương khi cắn một miếng có vị giòn, vị ngọt thanh của đường lẫn với vị béo của đậu phộng. Dùng kẹo gương kèm với ấm trà nóng giúp mọi người gần gũi nhau hơn trong buổi gặp mặt đồng hương, bạn già gặp nhau với bộ cờ tướng, hay giữa buổi nghỉ ngơi trong những ngày gặt lúa, làm đồng làm cho cuộc trò chuyện thêm thú vị và sinh động. Món ăn chơi có giá bình dân mà mùi vị thơm ngon, dễ chinh phục khẩu vị của nhiều người.

Với cách chế biến khéo léo, cộng với sự cần cù, chịu thương chịu khó, người dân Quảng Ngãi đã sáng tạo ra một thức quà mang hương vị ngọt ngào, thanh khiết, ăn một lần rồi nhớ mãi. Nếu có dịp ghé qua mảnh đất miền Trung nắng gió này, du khách đừng quên món kẹo gương – món quà dân dã nhưng chứa chan ý nghĩa.

 

2. Kẹo dừa (Bến Tre)

 

 

Bến Tre nổi tiếng với những hàng dừa cao vút, cõng trĩu những chùm quả nặng. Đây chính là nguyên liệu chính cho món kẹo dừa trứ danh. Kẹo dừa nguyên bản chỉ gồm nước cốt dừa, đường cát và mạch nha, thêm chút vani để dậy mùi thơm.

Loại kẹo này đến từ các tỉnh Nam Bộ, nhưng nổi tiếng nhất, thơm ngon nhất vẫn là kẹo dừa đến từ huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Người dân nơi đây có câu ca dao như sau:

Bến Tre dừa ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan.

Khi nhắc đến loại đặc sản này, bạn không thể nào quên hương vị ngọt thanh, kẹo mềm dẻo được bao bọc bởi lớp bánh tráng mỏng thơm ngon. Làm kẹo dừa không khó nhưng không phải nơi nào cũng làm ngon, làm khéo như ở Bến Tre. Người dân nơi đây có những bí quyết riêng do tổ nghề truyền từ đời này sang đời khác. Do vậy, hương vị với cách làm truyền thống luôn có một sức hút đặc biệt khiến ai nếm thử một lần đều say mê nhớ mãi.

 

Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác nhau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng…Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam. Kẹo dừa Bến Tre  là một đặc sản được nhiều khách tham quan mua về làm quà cho đồng nghiệp, bạn bè và người thân. 


3. Kẹo cu-đơ (Hà Tĩnh)

 

 

Nếu có dịp về với mảnh đất Hà Tĩnh, chắc hẳn ai cũng đã thưởng thức đặc sản truyền thống nơi đây, đó chính là kẹo “Cu Đơ” - loại kẹo mà ai nghe đến cũng phải “ồ” lên vì cái tên lạ và gợi nhiều tò mò này.

Kẹo cu đơ có bánh tráng nướng giòn ở hai mặt, ở giữa là nhân lạc rang được phủ một lớp mật có màu vàng trông hấp dẫn và bắt mắt. Kẹo cu đơ đơn giản là thế, nhưng để làm ra là cả một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Ăn miếng kẹo cu đơ cảm nhận cái mềm dẻo quẹo, cái vị nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc và không thể thiếu bát nước chè xanh. Thú vui bình dị của người Hà Tĩnh là ngồi ăn cu đơ, nhâm nhi bát nước chè xanh cùng đôi câu chuyện với bạn bè, đây là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người dân ở đây.

Không có bề ngoài hấp dẫn như các loại bánh kẹo hiện đại khác, kẹo cu đơ khoác trên mình chiếc áo mộc mạc, mang nét dân dã đặc trưng của vùng đất gió Lào. Đơn giản là thế nhưng nó gói trọn cái hồn, cái tình của người Hà Tĩnh.


4. Mè xửng (Huế)

 

 

Mè xửng Huế từ lâu đã trở thành biểu tượng của cố đô và còn nằm trong danh sách những đặc sản Huế thơm ngon tuyệt hảo. Hương vị thơm ngọt của những nguyên liệu làm nên kẹo mè xửng ngon tuyệt đã lôi kéo biết bao người thưởng thức.

Kẹo mè xửng được làm từ những nguyên liệu quen thuộc của vùng miền Trung như mạch nha, đường, đậu phộng, mè… Người Huế đã khéo léo kết hợp các nguyên liệu với nhau tạo nên một thứ kẹo bình dị nhưng ngon tuyệt. Khi ăn, vị béo vừa bùi của đậu phộng và mè rang quyện lấy vị ngọt thanh của đường, thơm nức và dẻo dai tan chảy trên đầu lưỡi. Bởi vậy mà nếu nếm thử kẹo mè xửng vùng cố đô có lẽ quý khách sẽ khó lòng quên được hương vị đặc biệt của thứ kẹo này.

Đối với người Huế thứ kẹo này có sức hấp dẫn đặc biệt và gắn liền với cuộc sống của họ. Người xứ Huế rất thích uống trà, đặc biệt là trà sen. Mọi người vừa thưởng tách trà nóng, rồi nhâm nhi thanh mè xửng ngọt bùi, rất thong thả và vui vẻ.

Người Huế khi đi xa cũng không quên đem theo thứ kẹo quê hương này để làm quà cho mọi người. Và ngược lại, du khách đến thăm Huế cũng chẳng thể nào quên thưởng thức thứ kẹo mè xửng thơm ngon này.

 

5. Kẹo sìu châu (Nam Định)

 

 

Nam Định - vùng đất "Địa linh nhân kiệt", nơi lưu giữ bao di sản văn hóa tinh thần với những nét trưng quyến rũ. Con người Nam Định tài hoa, tinh tế, hiếu khách và chính họ đã tạo dựng trên mảnh đất này những sản phẩm văn hóa phong phú, đặc sắc. Về Nam Định để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và thưởng thức đặc sản văn hóa ẩm thực đất thành Nam, đó là kẹo Sìu Châu.

Trong miếng kẹo giòn tan có vị béo ngậy của vừng và lạc, ngọt thanh của đường và mùi thơm phức của nếp cái hoa vàng. Kẹo sìu châu ăn không bị dính răng, có thể để rất lâu không bị chảy nước hay ỉu. Tùy nhà sản xuất, kẹo có thể có màu vàng, hoặc sắc nâu hồng, trông như hổ phách. 

Kẹo Sìu Châu là món quà ngon nức tiếng xứ Thành Nam mà bất kỳ du khách nào cũng muốn được chọn mua về khi có dịp tới đây. 



6. Kẹo dồi (Nam Định)

 

 

 

Kẹo dồi có xuất xứ từ Nam Định từ lâu đã trở thành một món ăn vặt khiến nhiều người ưa thích. Tuy nhiên thức quà này lâu lâu đã vắng bóng tại các sạp hàng lớn tại nơi đô thị. Thế nhưng nó vẫn được người dân nơi đây nuôi dưỡng để trở thành món quà đặc sản mà mỗi du khách khi ăn đều lưu luyến hay là món ăn vặt để những người con xa quê mang theo.

Kẹo dồi Nam Định có lớp vỏ màu trắng đục, ăn vào ngoài rất giòn và ngọt đậm nhưng không quá gắt. Bên trong lớp vỏ là phần nhân gồm là đậu phộng đã được rang nên rất thơm. Ăn kẹo dồi phải đi kèm với một ly trà nóng để vừa giảm độ dinh răng vừa cân bằng được độ ngọt của kẹo mang đến hương vị tuyệt vời hơn. Đặc biệt vào tiết trời lạnh mùa đông của khu vực phía Bắc thì được thưởng thức món này thì không gì sung sướng bằng.

Ai về xứ Nam Định thì thể nào khi quay lại cũng được dúi cho gói kẹo dồi để làm quà. Món ăn tưởng chừng như món quà quê không mấy giá trị nhưng dần đã trở thành một đặc sản gợi nhớ đến tuổi thơ đầy cảm xúc.

 

7. Kẹo chuối (Bến Tre)

 

 

Bến Tre từ lâu đã nổi danh với những đồ ăn hay đồ vật có nguồn gốc từ dừa. Và ở mảnh đất này, ngoài dừa thì chuối là loại cây phổ biến nhất nên có không ít sản phẩm từ chuối trở thành đặc sản, trong đó có kẹo chuối xiêm hay còn được gọi là mứt chuối xiêm.

Kẹo chuối là một món ăn dân dã mang hương vị đặc trưng của chuối được kết hợp với vị cay của gừng và vị bùi của đậu phộng đã tạo nên hương vị độc đáo. Kẹo được làm từ chuối xiêm chín, với miếng kẹo dẻo, có độ dai, và hương vị đặc biệt của chuối khô, vị béo của nước cốt dừa. 

Kẹo chuối xiêm là một trong những món ăn vặt thông thường của người dân Bến Tre. Nếu có dịp về Bến Tre, vào các nhà vườn, bạn sẽ được người dân địa phương mời uống nước trà, nhâm nhi vài cục kẹo chuối. 

 

8. Kẹo cau (Huế)

 

 

 

Nhắc đến món ăn vặt của trẻ con xứ Huế thì không thể bỏ qua viên kẹo cau cứng cứng, ngọt thanh. Ngậm viên kẹo cau trong miệng, dường như mọi căng thẳng, mệt mỏi đều tan biến hết.

Kẹo có hình dáng trông như miếng cau chẻ làm sáu. Phần trong của kẹo cứng, màu vàng óng được làm từ nước đường đông đặc, tượng trưng cho hạt cau. Phần ngoài kẹo có màu trắng, làm từ hỗn hợp bột gạo và đường, tương trưng cho vỏ cau. Ngày xưa, khi làm kẹo cau người ta có bỏ thịt quả cau vào trong kẹo nhưng vì mùi vị của cau khá hăng, không nhiều người ăn được nên sau này không cho vào nhân kẹo nữa.

Viên kẹo cau ngọt và rất cứng, nên bạn chỉ có thể ngậm và cảm giác viên kẹo tan dần trong miệng, đánh thức mọi giác quan. Càng ngậm lâu độ ngọt trong kẹo sẽ càng tăng, lưu giữ vị ngọt trong miệng cả ngày khiến những ai đang xa quê cảm thấy bồi hồi, xao xuyến nhớ quê nhà khi ăn.  Đặc biệt vị ngọt béo của kẹo cau sẽ tăng lên gấp bội phần nếu nhâm nhi cùng tách trà đăng đắng, ấm nóng giữa tiết trời se lạnh của Huế. Đây cũng chính là thú vui tao nhã của những cụ ông, cụ bà ở Huế từ thời xa xưa đến nay. 

Kẹo cau chứa đựng bao nhiêu tâm tình của người dân Cố đô. Người Huế xa quê hay du khách thập phương mỗi lần về thăm Huế đều không quên mang theo một ít kẹo cau đi làm quà. Kẹo cau cứ thế “phiêu bạt” bao nhiêu phương trời, đi tới đâu đều để lại ấn tượng ở nơi đó.

 

 

Bạn đọc có thể truy cập trang chủ trang web của Trung tâm Top Việt  Nam (https://topplus.vn/) để bình chọn TOP 5 món kẹo đặc sản địa phương ai ghé thăm cũng phải mua về làm quà.


Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)