TOP 100 kỷ lục bất biến Việt Nam (P.69): Nông cổ mín đàm – Tờ báo kinh tế bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam

19-08-2022

(kyluc-top) – Năm 1901, tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ là Nông cổ mín đàm ra đời ở Nam kỳ do Lương Khắc Ninh làm chủ bút ra đời. Nhiều bài viết trên Nông cổ mín đàm đã cổ vũ người Việt thay đổi tư duy kinh tế, chú trọng vào việc làm ăn kinh doanh.

Báo chí đi lên cùng kinh tế

Nông cổ mín đàm (có nghĩa là "Uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn"), còn có tên tiếng Pháp là Causeries sur l’agriculture et le commerce, xuất bản lần đầu vào ngày 1/8/1901, theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Báo có khổ 20x30 cm, tổng cộng 8 trang, ban đầu phát hành thứ năm hằng tuần, về sau tăng lên 3 số/tuần.

 

 

Số đầu tiên được phát hành ngày 01/08/1901. Thế nhưng, theo sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ký ngày 14/02/1901, đơn yêu cầu xin "lập một tờ báo nông nghiệp bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán" được Paul Canavaggio viết cách đó 10 năm, vào ngày 24/01/1891.  Nông-cổ mín-đàm được in tại Nhà in-Hiệu sách Claude & Cie (Imprimerie-Librairie Claude & Cie). 

Tên báo được in bằng chữ quốc ngữ Nông-cổ mín-đàm, bên dưới là 4 chữ Hán 農賈茗談, sau cùng là một hàng chữ Pháp Causeries sur l'agriculture et le commerce (nghĩa là Đàm đạo về nông nghiệp và thương nghiệp). Báo có khổ 20x30 cm, với tổng cộng 8 trang, trong đó các trang giữa đăng các truyện dịch (như Tam quốc chí tục dịch hay một số truyện ngắn khác của Anh, Pháp hoặc Trung Quốc), thơ ca do các cộng tác viên sáng tác, điểm báo châu Âu, hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt chăn nuôi, thông tin số lượng và giá lúa gạo bán đi các nước, 2 trang cuối dành cho quảng cáo và rao vặt.

"Thương cổ luận" là một mục quan trọng của báo, thường được đăng ở trang nhất và kéo dài đến trang sau, xuất hiện ngay từ số đầu tiên, và chỉ tạm thời đình bản trong 8 số (từ số 73 đến số 79) do tác giả là Lương Khắc Ninh đi dự đấu xảo tại Hà Nội. Đến năm 1906, "Thương cổ luận" chính thức giã từ Nông cổ mín đàm. Mục "Thương cổ luận" tồn tại trong suốt hơn 100 số báo, thẳng thắn tuyên chiến với tư tưởng tứ dân sĩ - nông - công - thương đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt bằng lời khẳng định: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường, đồng thời hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Vì lẽ đó, đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ.

 

 

Tờ báo ra đời cũng góp phần thúc đẩy việc phát triển nền báo chí và văn học chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung, Nông-cổ mín-đàm đã trở thành nơi thử nghiệm của một đội ngũ dịch “truyện Tầu”, vừa tinh thông Hán học và biết chữ quốc ngữ như, Nguyễn Chánh Sắc, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Đinh Văn Đẩu, Trần Hữu Quang, Huỳnh Trí Phú… Ngoài mục truyện dịch, Nông-cổ mín-đàm còn có mục "Thi phổ" để đăng các sáng tác thi ca mới của độc giả hay văn học dân gian sưu tầm… Tờ báo cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại.

 

Bản tin cuộc thi Quảng văn thi cuộc trên báo Nông cổ mín đàm

 

Báo được phổ biến khá rộng, hầu khắp Lục tỉnh, tuy nhiên số người mua báo không nhiều. Theo mục Bổn quán cẩn tín trang 6 số 39 (ngày 22 tháng 5 năm 1902), thì sau gần 1 năm phát hành, đã có 325 người mua báo, chủ yếu là các quan chức và điền chủ ở các địa phương, như cai tổng, hội đồng, hương chủ, tri huyện, và các công chức nhà nước - tức là những người biết đọc chữ quốc ngữ và có quan tâm đến các vấn đề mà tờ báo đề cập. So với tờ Gia Định báo thì số lượng phát hành của Nông cổ mín đàm tương đối khiêm tốn, có lẽ bởi Gia Định báo là công báo được chính phủ Pháp tài trợ xuất bản, và buộc các làng các tổng phải mua, trong khi Nông cổ mín đàm là tờ báo tư nhân và tự trang trải tài chính. Giá báo một năm dành cho người Việt (bổn quốc) là 5 đồng, cho người Pháp (người Langsa) và người nước ngoài là 10 đồng.

Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản. Nhưng trên thực tế, Nông cổ mín đàm đúng ra không mất hẳn vào năm 1921 mà sang tên là Tân đời thời báo (tiếng Pháp: Journal des jeunes générations). Với tên mới, tờ báo này tồn tại đến tháng 11/1924 mới hoàn toàn biến mất.

 

Nông cổ mín đàm  – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Tờ báo kinh tế bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam

 

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của Nông cổ mín đàm, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử Nông cổ mín đàm vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Tờ báo kinh tế bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam​". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 

Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings

 

 


Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)