TOP 100 kỷ lục bất biến Việt Nam (P.70): Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) – Nơi đầu tiên tìm thấy loài sao la

19-08-2022

(kyluc-top) – Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis, được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào, được xếp hạng mức nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ của Việt Nam. Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là nơi đầu tiên tìm thấy loài sao la cũng như là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn.

Vườn quốc gia Vũ Quang - "Viên ngọc xanh" của Hà Tĩnh

 

 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang được thành lập năm 1986, có tổng diện tích 16.000ha, với vai trò chủ yếu là bảo tồn khu di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ thứ XIX của nhà yêu nước Phan Đình Phùng. Trải qua nhiều thời kỳ xây dựng và phát triển, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt việc chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang thành VQG Vũ Quang. Vườn quốc gia Vũ Quang nằm về phía Tây Bắc của Hà Tĩnh, là khu rừng đặc dụng tọa lạc sát đường biên giới Việt - Lào, với 76% diện tích rừng nguyên sinh sở hữu hệ thống động - thực vật phong phú, có một số loài chỉ xuất hiện ở Việt Nam.

Năm 1992, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loài sao la khi tìm thấy một hộp sọ có chiều dài bất thường với cặp sừng thẳng tại nhà một thợ săn tại rừng Vũ Quang. Việc khám phá ra loài sao la ở Hà Tĩnh vào đã gây chấn động thế giới, là một trong những khám phá động vật học ngoạn mục nhất của thế kỷ 20 vì giới khoa học cho rằng, việc tìm thấy loài thú lớn vào thời điểm này là "khó có thể xảy ra".

 

Sao la còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” được biết đến như một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong núi rừng Việt Nam. (Ảnh WWF)

 

Trong những năm của thập niên 90, các nhà khoa học tìm ra ở các khe suối trên vùng rừng Vũ Quang thêm 5 loài cá mới cho khoa học, gồm: cá lá giang, cá chuồn sông, cá bướm, cá đong chấm sọc, cá chiên thác bẹt và 3 loài tảo. Các loài mới cho khoa học nêu trên đều là các loài “đặc hữu” (edemic) cho vùng trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang. Khu vực này “có duyên” với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng, “Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam”.

 

 

Được chuyển hạng thành Vườn quốc gia, cấp bảo tồn cao nhất ở năm 2002, khu vực này có 5 kiểu rừng chính rất đặc trưng. Kiểu rừng xanh trên núi thấp là kiểu rừng từng che phủ phần lớn diện tích Vườn Quốc gia, phân bố ở độ cao 100m-300m ở phía Bắc và Đông bắc của Vườn. Rừng thường xanh núi thấp phân bố trong khoảng đai cao từ 300 đến 1000m ở vùng trung tâm Vườn và một số mảng nhỏ ở phía Bắc và Đông bắc. Rừng thường xanh trung bình phân bố trên các đai độ cao từ 1000m đến 1400m, dọc theo dải hẹp, chạy dài liên tục từ phía Bắc đến đến Đông nam Vườn Quốc gia. Rừng thường xanh trên núi cao phân bố trên các đai cao giữa 1400m đến 1900m trên các sườn dốc và các vùng ở phía nam và Tây nam của Vườn. Rừng Cảnh tiên phân bố trên các đai cao từ 1900 đến 2200m ở phần tận cùng phía nam Vườn Quốc gia.

 

 

Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang - Hà Tĩnh chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu "Vườn di sản ASEAN”.  Theo đánh giá của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Vườn Quốc gia Vũ Quang có đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên của Hiệp hội Các vườn di sản ASEAN như tính toàn vẹn hệ sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính độc đáo và các sinh cảnh đặc trưng, cùng các loài quý hiếm, tính hợp pháp và hợp lý, tính xuyên biên giới, kế hoạch quản lý, tầm quan trọng cho bảo tồn.

 

Không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều cảnh quan độc đáo... Vườn Quốc gia Vũ Quang còn là nơi ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng.

 

Đập thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang nằm trong quần thể vườn Quốc gia Vũ Quang, có nhiệm vụ cấp nước cho hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, sản xuất điện và làm giảm lũ cho vùng hạ du,...

 

Vườn quốc gia Vũ Quang  – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Nơi đầu tiên tìm thấy loài sao la

 

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của vườn quốc gia Vũ Quang, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử vườn quốc gia Vũ Quang vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Nơi đầu tiên tìm thấy loài sao la". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 

Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings

 


Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)