TOP 100 kỷ lục bất biến Việt Nam (P.80): Ô Quan Chưởng (Hà Nội) – Cửa ô duy nhất của kinh thành Thăng Long xưa còn tồn tại

25-08-2022

(kyluc-top) – Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là cửa ô duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long cũ, là di tích đã được xếp hạng năm 1995.

Ô Quan Chưởng - Vết tích cuối cùng của Hoàng thành Thăng Long

 

 

“Ở đâu năm cửa ô chàng ơi

Sông Nhị Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng”

Câu ca dao trên đã nhắc tới 5 cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa đó là ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa và ô Quan Chưởng. Nhưng chỉ có duy nhất Ô Quan Chưởng vẫn còn trường tồn với thời gian cho đến ngày nay và mang nhiều dấu ấn lịch sử của kinh thành cũ.

 

Một trong những cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa

 

Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. Tên gọi Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh cao cả của một viên quan Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873 qua cửa ô Đông Hà.

 

 

Công trình này đã từng được trùng tu, sửa chữa hai lần, đó là vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và năm Gia Long thứ 16 (1817), tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả của lần sửa chữa vào năm 1804.

Theo tài liệu trên tạp chí Xưa & Nay (số 76, tháng 6 năm 2006), sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp đã cho phá hết các cửa ô cùng với các con đê để mở rộng thành phố, cũng như phá bỏ cả thành cổ Hà Nội. Nhưng riêng ô Đông Hà có sự đấu tranh quyết liệt không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô của dân chúng và cai tổng tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu nên cửa ô vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

 

 

 

Cửa ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu - một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn, có mặt trước hướng về phố Ô Quan Chưởng.  Ô Quan Chưởng có 2 tầng, tầng dưới có 3 cửa, một cửa nằm chính giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1.65m, cao 2.5m. Cả ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí phía trên nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Ngày xưa, lính tuần thường đứng trên vọng lâu để quan sát xung quanh. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật (cao gần 1m, rộng khoảng 3m), ở mặt trước có đắp nổi ba chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh: “Đông Hà Môn”.

 

Đông Hà Môn

 

Ở phía bên trên tường trái cửa chính của Ô Quan Chưởng chính là tấm bia đá cỡ 0,8m khắc lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu, làm khó dân chúng mỗi khi qua lại do chính Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hoàng Văn Xứng sai người đặt lên vào năm 1881. Điều này đã chứng minh được tấm lòng yêu nước, thương dân và thấu hiểu cho dân của vị Tổng đốc năm nào.

 

 

Nguyên liệu dùng để xây cửa ô Quan Chưởng là gạch vồ, đá, có kích thước khá lớn, tương tự như loại gạch dùng để xây tường ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

 

 

Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm trên ngã tư Hàng Chiếu – Đào Duy Từ, vẫn hiên ngang giữa lòng phố cổ Hà Nội như một bằng chứng sống cho tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân ta. Tuy không còn giữ nguyên được nét cổ kính ngày nào nhưng Ô Quan Chưởng vẫn luôn là biểu tượng của kinh thành xưa cũ, không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn mang đậm ý nghĩa về mặt lịch sử về thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

Ô Quan Chưởng  – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: " Cửa ô duy nhất của kinh thành Thăng Long còn tồn tại 

 

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của Ô Quan Chưởng, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử Ô Quan Chưởng vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Cửa ô duy nhất của kinh thành Thăng Long còn tồn tại". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 

Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings

 

Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)