TOP 100 kỷ lục bất biến Việt Nam (P.81): Đồng bằng sông Cửu Long – Đồng bằng lớn nhất Việt Nam

25-08-2022

(kyluc-top) – Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất màu mỡ ở phía Tây Nam Việt Nam, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, còn gọi là miền Tây Nam Bộ, hay gọi tắt là miền Tây. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 diện tích của đồng bằng sông Cửu Long là 40.816,3 km2, rộng gần gấp đôi đồng bằng sông Hồng (21.260,3 km2) và là đồng bằng lớn nhất nước ta.

Về Đồng bằng sông Cửu Long:

Tại Việt Nam có 15 vùng đồng bằng trải dài từ Bắc vào Nam bao gồm: Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Thanh Hóa, Đồng bằng An Khê, Đồng bằng Bình Định, Đồng bằng Nghệ Tĩnh, Đồng bằng Quảng Bình, Đồng bằng Quảng Trị, Đồng bằng Thừa Thiên, Đồng bằng Quảng Nam, Đồng bằng Quảng Ngãi, Đồng bằng Phú Yên, Đồng bằng Khánh Hòa, Đồng bằng Ninh Thuận, Đồng bằng Bình Thuận và Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích lớn nhất, tổng diện tích lên tới 39.194,6 km², chiếm 11,8% diện tích cả nước. 

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển (có đường bờ biển dài 700km), phía Tây có đường biên giới giáp với Campuchia và phía Bắc giáp với vùng kinh tế Đông Nam Bộ – vùng kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày thuận lợi cho giao thông thủy vào bậc nhất ở nước ta.

Vùng bao gồm 13 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là: tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và thành phố Cần Thơ. 

 

 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Tam giác châu sông Mê Kông là đồng bằng bồi tích do hạ lưu sông Mê Kông và chín đường rẽ của nó chảy vào biển Đông mà hình thành nên, là đồng bằng lớn nhất Việt Nam, diện tích khoảng 40.000 km². Chiều cao trung bình so với mực nước biển không đến 2 mét, nhiều dòng sông và ao đầm.Tổng dân số tại đây là 17.300.947 người (2021), phần đông làm nông nghiệp, là vùng sản xuất lúa gạo chủ yếu ở Việt Nam, cũng là một trong những khu sản xuất gạo nổi tiếng ở Đông Nam Á. Vùng chiếm 11,8% diện tích cả nước nhưng có 17,6% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%).

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với những vùng sông nước mênh mông, những vườn cây trái bạt ngàn, sản vật trù phú, con người vừa hào sảng, khí khái, vừa chân chất. nơi đây có những vườn quốc gia, sân chim với vô số loài chim muông và động, thực vật quý. đồng bằng sông Cửu Long còn có những lễ hội dân gian truyền thống, những loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng sông nước như cải lương, các điệu lý, điệu hò hay các bản nhạc, điệu múa của đồng bào Khmer.

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long  – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: Đồng bằng lớn nhất Việt Nam 

 

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử đồng bằng sông Cửu Long vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Đồng bằng lớn nhất Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 

Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings


Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)