Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P.13): Lễ hội đền Cổ Loa – Tìm về những giá trị văn hóa xưa của dân tộc

18-08-2022

(ky luc –top) Hàng năm, vào ngày mùng 6 Tết, người dân vùng Đông Anh – Hà Nội lại nô nức tổ chức lễ hội đền Cổ Loa, để tưởng nhớ công đức của vua An Dương Vương.

Tương truyền rằng - ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung, sau đó 3 ngày là ngày mùng 9 thì lên ngôi vua và mở hội khao hàng loạt lực lượng quân binh, thế nên người dân cũng tổ chức triển khai lễ hội ăn mừng. Lễ hội đền Cổ Loa cũng được mở từ đây và gìn giữ đến tận bây giờ.

Không gian thực hành lễ hội là khu vực thành Nội thuộc xã Cổ Loa - huyện Đông Anh – Hà Nội, nơi có quần thể các di tích kiến trúc đền, đình, am, nơi thờ phụng chính đức vua An Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy, tướng quân Cao Lỗ và các nhân vật liên quan.

 

Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra vào mùng 6 Tết 

 

Đối với người dân sống quanh cùng đất Cổ Loa đặc biệt là cụm 8 làng Bát xã (Đài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép) cùng thờ đức vua An Dương Vương thì đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. 

Lễ hội đền Cổ Loa gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội.

 

Những bậc trưởng lão đang thực hiện các nghi thức khai mạc Lễ hội đền Cổ Loa

 

Phần lễ được diễn ra từ sớm mùng 6, bắt đầu bằng lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương. Một đoàn người mang lễ phục cầm cờ quạt, tàn, lọng đình, dẫn đầu là chủ lễ mặc áo thụng xanh, đội mũ tế đến nhà ông diễn văn rước bản văn ra đền.  8 làng trong cụm Bát xã đưa đám rước đến đầu làng Cổ Loa thì có người ra nghênh đón và đưa vào đền Thượng. Ngoài đền có ngựa hồng, ngựa bạch bằng gỗ đứng hầu hai bên, dọc hai bên đi vào được cắm cờ quạt và các bộ vũ khí thờ cúng.Trước hương án được bày các loại vũ khí như cung, tên, kiếm, nỏ và trải một hàng chiếu để làm chỗ cúng vái thần. Cuộc tế được thực hiện trên nền nhạc phường bát âm.

 

 

Lễ rước kiệu vào đền An Dương Vương

 

Sau khi kết thúc cuộc tế thì người dân có thể vào làm lễ rước thần. Dẫn đầu lễ rước là cờ quạt đến long đình và các lộ lộ bát bửu theo ngay sau đó là phường bát âm và các quan đội mũ tế áo phụng trong tay bưng vũ khí của nhà vua, tiếp theo là các chức sắc và trai đinh trong làng khiêng long đình có bài vị của nhà vua. Bát xã lần lượt rước kiệu của mình một cách thận trọng và chậm trãi trong từng bước đi. Đoàn rước được nối dài tròn tiếng đàn sáo tưng bừng. Phần lễ chính đến đây cơ bản là đã kết thúc. Người dân chuyển qua tham gia phần hội.

 

Bát xã lần lượt rước kiệu của mình một cách thận trọng và chậm trãi trong từng bước đi

Múa rối nước, hát quan họ ở Giếng Ngọc, diễn tuồng Mỵ Châu - Trọng Thủy là các hoạt động nghệ thuật diễn ra trong phần hội ở lễ hội đền Cổ Loa. Đan xen với các hoạt động nghệ thuật là các trò chơi dân gian: Chơi cờ người, đấu vật, bắn nỏ… được xem là điểm nhấn của lễ hội đền Cổ Loa thu hút được đông đảo người tham gia.

 

Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động hấp dẫn như: chơi cờ người.

 

Môn đấu vật cũng tạo nên sự thích thú cho khách tham quan. 

 

Trong những ngày hội Cổ Loa, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem thật đông, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa. Lễ hội đền Cổ Loa còn nhằm giáo dục cho nhân dân về truyền thống uống nước nhớ nguồn đồng thời bảo tồn những hoạt động văn hóa di sản xưa.


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh: Internet)