Nguồn gốc lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Lễ hội Quán Âm) được tổ chức tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội được hình thành từ việc Hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, được tự nhiên cấu thành rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn (một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn). Hòa thượng đặt tên hang động là động Quan Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm để xưng tụng quả vị Quán Thế Âm. Kể từ đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm, nhân dân địa phương và khách thập phương về đây lễ bái rất đông.
Hàng năm, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn thu hút đông đảo người đến tham dự
Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và cộng đồng địa phương, các vị Chư Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hằng năm (Ngày Đản sanh của Ngài), các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài.
Từ năm 1991, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, diễn ra trong ba ngày 17, 18 và 19 tháng Hai, trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức.
Hoạt động lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn
Cũng giống như bao lễ hội khác, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn được tổ chức làm 2 phần : Phần lễ và phần hội.
Phần lễ: Phần lễ mang màu sắc lễ nghi Phật Giáo với các nội dung:
Lễ rước ánh sáng: Nghi lễ rước ánh sáng thường tổ chức vào tối ngày 18, gồm rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh.
Kiệu rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát đi trong lễ hội.
Lễ khai kinh: Lễ được tổ chức vào sáng sớm ngày 19, đây là lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.
Lễ khai kinh được diễn ra trang trọng, tôn nghiêm
Lễ trai đàn chẩn tế: Lễ này cũng được tổ chức vào sáng ngày 19 để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh, thường trước đó đồng bào phật tử gởi danh sách những người thân của mình đã mất đến chùa để làm lễ cầu siêu. Trong lễ này phải mời người có giới phẩm đứng ra làm lễ.
Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc: Lễ cúng được tổ chức vào sáng ngày 19, ngợi ca lòng từ bi bác ái của đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng.
Lễ rước tượng Quán Thế Âm: Lễ này tổ chức vào khoảng 10 giờ sáng ngày 19, sau các nghi lễ trên, bốn người khiêng kiệu trên có tượng Phật bà đi trước, và đồng bào Phật tử đi sau, kiệu được khiêng từ trên chùa và đi xuống chiếc thuyền đậu trên Sông Cầu Biện (nhánh của sông Cổ Cò), sau đó cho thuyền chạy vòng quanh sông Cổ Cò.
Các chư tôn thắp hương trước tượng Quán Thế Âm trên lễ đài, trước khi rước tượng Phật trở xuống để kết thúc phần lễ
Phần hội: Diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hoá - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như hội hoá trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, hoạ, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng... các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, hội thi nấu ăn chay...
Phần hội với cực nhiều trải nghiệm độc - lạ
Đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò, Ngũ Hành Sơn
Nhìn chung, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Từ những giá trị tiêu biểu đó, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021.