Nguồn gốc lễ hội vật Liễu Đôi
Theo dân gian lưu truyền, xưa kia, tại mảnh đất Liễu Đôi có một chàng trai họ Đoàn vô cùng giỏi võ, chàng có thể một mình địch nổi năm trai tráng trên sới vật. Một hôm, ở Nương Cửi, bỗng đâu xuất hiện một luồng ánh sáng xanh chói lòa, trong khi mọi người vô cùng hoảng sợ thì chàng trai họ Đoàn đã dũng cảm đi tới và phát hiện luồng ánh sáng ấy được phát ra từ một thanh gươm được đặt trên một tấm khăn đào.
Hội vật Liễu Đôi tổ chức hàng năm để ghi nhớ công lai của chàng trai họ Đoàn giỏi võ, đã có công đánh giặc cứu nước
Khi giặc phương Bắc đến xâm lược, chàng trai nọ đã dũng cảm mang gươm ra trận, bảo vệ đất nước. Trong đoàn quân của chàng có nữ tướng họ Bùi rất dũng cảm, hai người thề ước với nhau. Nhưng không may, nơi chiến trường khốc liệt, chàng trai bị tử trận, thi hài được mang về quê hương. Sau khi dẹp được giặc ngoại xâm, nữ tướng họ Bùi đã đến viếng mộ chàng. Vì quá đau thương nên nữ tướng nọ đã chết trên ngựa khi cách mộ chàng chừng vài trăm bước.
Để tưởng nhớ và cảm tạ công ơn chiến đấu chống giặc ngoại xâm của hai người, người dân Liễu Đôi đã lập đền Ông thờ chàng trai họ Đoàn, gọi là Thánh Ông và lập đền thờ nữ tướng họ Bùi, gọi là đền Tiên Bà. Cứ mỗi dịp mùng 5 tháng giêng hàng năm, dân làng Liễu Đôi sẽ mở hội vật để tưởng niệm đến Thánh Ông và Tiên Bà, đó chính là nguồn gốc của lễ hội vật Liễu Đôi (xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
Các hoạt động diễn ra tại lễ hội vật Liễu Đôi
Sáng sớm ngày mùng 5 tháng giêng, hàng trăm người dân trong làng sẽ tề tựu đông đủ để làm lễ rước kiệu từ đình làng về ngôi đền thờ Thánh Tiên và xin rước bát hương về sới vật nằm giữa thôn Tháp (nơi xưa chàng trai họ Đoàn đã trời ban cho gươm thần).
Lễ rước thánh – là nghi lễ đầu tiên diễn ra trong lễ hội vật Liễu Đôi. Trong nghi lễ này, lễ vật dâng thánh sẽ là lễ chay vô cùng đơn giản, bao gồm: mấy phẩm oản, bẹ chuối, một nậm trà. Dẫn đầu đoàn rước là một cụ già tay cầm thanh gươm đi giật lùi, cho đến khi kiệu Thánh vào đóng thì làm lễ tế.
Các bô lão thực hiện nghi thức Tế lễ trong lễ hội vật Liễu Đôi
Tiếp theo sau là lễ phát hoả - một ngọn lửa lớn sẽ được đốt lên nhằm tượng trưng cho ngọn lửa xanh chói lòa đã bốc lên từ thanh gươm báu mà ông trời đã ban cho Thánh Ông năm xưa. Sau đó, một người cao tuổi có uy tín hoặc chức sắc trong làng được cử cầm trống cái cho hội sẽ trao chiếc gươm trên kiệu thánh và thắt khăn đào cho một đô vật danh dự được cử ra ngồi dưới cây dải trước rạp.
Kết thúc lễ phát hỏa là nghi thức múa cờ tụ nghĩa - hai hoặc bốn người sẽ tham gia múa một điệu múa mang tên "thiên nhân kỳ trận". Mỗi người mua sẽ cầm một lá cờ đỏ hình vuông, tiến từ hai bên kiệu thánh ra giữa đóng theo hiệu trống mà múa.
Theo tiếp là lễ thanh động - lễ này bắt đầu bằng tiếng trống cái ở đóng nổi lên liên hồi cùng với tiếng pháo nổ ran, tiếng chuông, cồng, mõ, thanh la tại khu vật võ và tất cả các đền chùa trong vùng đều nhất tề hưởng ứng hoà với tiếng reo hò cổ vũ sôi nổi.
Sau khi các nghi lễ trên kết thúc, sẽ đến hội vật Liễu Đôi
Hội vật Liễu Đôi
Nghi thức đầu tiên của hội vật võ là vật trai rốt (“ trai rốt” là hai cậu con trai của làng ra đời cuối cùng trong năm qua). Mở đầu cuộc vật, làng gọi tên hai trai rốt ra vật năm keo để trình làng, lễ thánh. Bố của hai đứa trẻ được chọn là trai rốt sẽ ra vật thay cho con vì những đứa trẻ còn bé. Nghi thức này mang ý nghĩ những thế hệ tương lai của làng sẽ duy trì truyền thống thượng võ cũng như môn đấu vật của làng Liễu Đô.
Vật trai rốt chỉ là vật biểu diễn các miếng võ cho đẹp và không được vật ngã đối phương, xem vật trai rốt mọi người thấy vô cùng thú vị vì tập trung ở đây là nghệ thuật múa xe đài, múa vật vờn, múa ra miếng, múa các miếng.
Sau phần vật trai rốt là phần dành cho các đô vật Liễu Đôi sẽ vào giao đấu trước tiên, và hội vật võ Liễu Đôi cũng cho phép phụ nữ được tham gia, các chị em được ra đóng với côn, đao, quyền, kiếm… không thua gì kém gì đấng mày râu. Sau khi các đô vật Liễu Đôi tạo không khí và khuyến khích tinh thần cho đô vật bốn phương thì sẽ nhường đóng cho khách đô vật bốn phương tham gia.
Tại hội vật võ Liễu Đôi cũng cho phép phụ nữ được tham gia, các chị em được ra đóng với côn, đao, quyền, kiếm… không thua gì kém gì đấng mày râu
Đô vật nào thắng được 5 keo liền sẽ được vào vòng giải. Ai thắng hết các đô vật trong vòng giải thì được giải cọc. Giải cọc là giải đặc biệt, tiếp đến là giải thứ: nhất, nhì, ba, cuối cùng là giải cuộc trao cho tất cả những người vào đóng vật. Vì thế tại lễ hội vật Liễu Đôi, tất cả mọi đô vật tham gia đều có giải thường (phần thưởng là tiền hảo tâm của thập phương công đức, ngoài việc chi vào đèn nhang, còn lại bao nhiêu phải chi hết vào giải, nếu còn chút ít thì cho người nghèo ngay tại chỗ, tuyệt không được chi dùng vào việc khác).
Lễ hội vật Liễu Đôi thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết của nhân dân Việt Nam, nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.