Quá trình lịch sử của lễ hội làm chay
“Dù ai mua bán bộn bề
Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”
Lễ hội làm chay dược nhân dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tổ chức để cúng tế các nghĩa sĩ vong trận trong phong trào yêu nước chống Pháp nửa cuối thế XIX và cầu siêu theo nghi thức Phật Giáo cho các vong linh, ma quỷ để chúng không làm hại con người và cầu an cho bá tánh, làng xóm.
Trước năm 1945, lễ được tổ chức đơn giản, chỉ lập đàn dưới đất cúng cầu siêu tại nhà lồng chợ cũ (khu vực chợ Tầm Vu ngày nay).
Từ năm 1945 - 1954, mỗi kỳ cúng có thêm phần hát bội.
Từ năm 1954 – 1979, tiếp tục cúng ở chợ Tầm Vu.
Từ năm 1980 – nay, việc cúng Tế được chuyển vào đình Tân Xuân (xã Dương Xuân Hội).
Mục đích chính của lễ hội làm chay là khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động sản xuất đạt vụ mùa bội thu. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm.
Chung tay tổ chức lễ hội làm chay
Từ rất lâu, cứ sắp đến ngày diễn ra lễ hội làm chay, không ai bảo ai, mọi người lại chung tay chuẩn bị để đón lễ và đã trở thành “cái nếp” của người dân Châu Thành. Đối tượng chính của lễ làm chay là Ông Tiêu - tức Tiêu Diện Đại sĩ (một hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát).
Ngày 14
Người dân tiến hành kiểm tra Ông Tiêu bằng giấy. Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban Quản trị đình Tân Xuân thành lập các tiểu ban, triển khai các công việc như: Dựng giàn Ông Tiêu, làm Long Đình - Tứ Châu, dựng giàn thầy, dựng đài liệt sĩ, làm ghe phóng đăng, làm hình Ông Tiêu.
Đêm 14 tháng Giêng, khu vực đình Tân Xuân rực rỡ ánh đèn. Từ người già đến trẻ con tập trung trước sân đình xem hát bội.
Hình ảnh ông Tiêu tại Lễ hội Làm Chay thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An
Vở tuồng hát bội "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ" được biểu diễn tại đình Tân Xuân
Ngày 15
Lễ bắt đầu với nghi thức “Thỉnh Ông Tiêu” được thỉnh từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ, sau đó thỉnh lên giàn tại đình Tân Xuân - trung tâm của lễ hội làm chay.
Tiếp đến là nghi thức “khai kinh tụng cầu an” do các nhà sư thực hiện để cầu an cho cộng đồng. Nghi thức “cúng tế liệt sĩ” (hay còn gọi là nghĩa sĩ trận vong) do bổ đạo Cao Đài đảm nhận. Theo sau là nghi thức “đề phan liệt sĩ” do vị sư cả Phật giáo chủ trì, tụng kinh, treo lá phan có nội dung ca ngợi công ơn hy sinh vì Tổ Quốc của các liệt sĩ.
Buổi tối cùng ngày, sẽ diễn ra cá hoạt động giao lưu ca nhạc tài tử và xe hoa xuất phát từ đình diễu hành vòng quanh thị trấn Tầm Vu, kéo dài đến nữa đêm.
Nghi thức "Thỉnh Ông Tiêu"
Ngày 16
Sang ngày 16 tháng Giêng, cộng đồng tham gia vào các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập nồi đất, kéo co, nhảy bao bố, leo cột mỡ… song song cùng các hoạt động thể thao như: Chạy việt dã, đua xe đạp chậm, bóng đá, bóng chuyền.
Sôi nổi phần thi kéo co
Cùng lúc đó, “lễ cúng cô hồn” được tiến hành miếu Âm Nhơn - với lễ vật là một con heo, gạo, muối, đĩa huyết, bánh trái, vàng bạc. Sau khi cúng xong, lễ vật được đưa về đình để Ban hậu cần nấu nướng thiết đãi khách.
Nghi thức “Thỉnh cỗ bánh” được tiến hành với lễ vật gồm một mâm cỗ bánh lớn do đình chuẩn bị và cỗ nhỏ do nhân dân chuẩn bị. Mâm cỗ bánh sau khi cúng xong sẽ dành cho trẻ em tham gia dự lễ hội cướp lấy.
Cỗ bánh được trang trí sặc sỡ
Lễ chiêu u (cúng cô hồn) gồm nghi thức chiêu u gần và chiêu u xa. Nếu chiêu u gần thì xuất phát từ đình đi bộ về tứ phương. Nếu chiêu u xa thì xuất phát từ chợ Tầm Vu. Lễ chiêu u gần đến các địa điểm chiêu u cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn Ông Tiêu. Riêng đám rước chiêu u xa có nghi thức thắp hương tưởng niệm viếng mộ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Nghi thức “Thỉnh kinh, đánh động, thỉnh thầy” - đây là màn diễn có nội dung thầy trò Tam Tạng vâng lệnh vua Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Lễ vật thỉnh về được đặt trên bàn thờ trung ương gồm có kinh Phật, một bàn tay Phật và một nhạo rượu bằng sáp, 03 cây hương, 10 cái bèo vuông (làm bằng giấy đỏ dùng cắm nến, thả trôi trên sông).
Tái hiện lại nội dung "thầy trò Tam Tạng vâng lệnh vua Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh"
Nghi thức “Phóng đăng” hướng tới sự giác ngộ, giải thoát chúng sinh, diễn ra trên sông Tầm Vu.
Nghi thức quan trọng nhất “Xô giàn - đưa khách” để tống tiễn cô hồn được tiến hành vào lúc nửa đêm ngày 16. Lễ vật trên giàn được rải xuống và phân phát cho trẻ em, sau đó đốt hình ông Tiêu kèm theo vàng mã. Lễ hội làm chay đến đây kết thúc.
Nghi thức xô giàn - đưa khách, đốt Ông Tiêu
Lễ hội làm chay thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống và bản sắc địa phương. Lễ hội làm chay đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.