Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình. ( Ảnh: Báo Tài Nguyên Môi Trường)
Lễ hội Tràng An là chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch gắn liền với tín ngưỡng thờ các vị thần núi trong Hoa Lư tứ trấn và sùng bái thiên nhiên của cư dân người Việt sống trong quần thể di sản thế giới Tràng An – Ninh Bình.
Lễ hội sẽ diễn ra ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm để tôn vinh Đức Thánh Quý Minh Đại Vương - Tương truyền, ông là một vị tướng dưới thời vua Hùng thứ XVIII, có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ bờ cõi đất nước cũng như giúp đỡ dân lành xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Để ghi nhận công lao này, Đinh Tiên Hoàng Đế đã sắc phong ông làm vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Nam của cố đô Hoa Lư (Hoa Lư tứ trấn).
Nghi lễ trước đền thờ Đức Thánh Quý Minh Đại Vương trong lễ hội Tràng An. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Ngoài ra lễ hội còn tôn vinh 3 vị khác (Đông - Tây - Bắc) thuộc Hoa Lư tứ trấn lần lượt là Thần Thiên Tôn, Thần Cao Sơn và Thần Khổng Lồ và các tướng lĩnh của vương triều Đinh đóng quân ở Tràng An và các vua đầu nhà Trần đã lập ra hành cung Vũ Lâm tại đây.
(Ảnh: Di sản Tràng An)
Điểm độc đáo ở lễ hội Tràng An là lễ hội được rước trên sông, du thuyền qua các di tích lịch sử và thắng cảnh hang động, rừng núi, sông nước Tràng An.
Do đó, phần lễ với nhiều nghi thức truyền thống được diễn ra trên sông như: rước nước, rước kiệu và rồng để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân có công giữ yên bờ cõi, bảo vệ giang sơn.
Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Ban tổ chức thực hiện nghi lễ rước nước đến đền Suối Tiên dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương. (Ảnh: Đầu Tư Online)
Rước rồng tại đền Suối Tiên, nơi thực hiện nghi lễ chính của lễ hội. Ảnh: (Đầu Tư Online)
Các đoàn rước đi thành đoàn trên những chiếc thuyền, khởi đầu từ bến thuyền Tràng An đoàn đi dọc theo dòng sông Sào Khê rước nước qua hành cung Vũ Lâm.
Cả đoàn thuyền hàng trăm chiếc nối nhau di chuyển qua các hang xuyên thủy, hai bên hang lấp lánh ánh bạc bởi nhũ đá đẹp như: Hang Lấm, hang Vạng, hang Đại. Sau đó, các đại biểu, đông đảo nhân dân, du khách đến đền Suối Tiên, dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
(Ảnh: Real times)
Bến Đền Trình. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Theo dòng chảy của dòng sông Sào Khê đưa người tham gia lễ hội vào vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An, tiếng trống dồn vang khai hội, tiếng chiêng dập dìu mênh mang một vùng sông nước, mở màn khai mạc lễ hội Tràng An với màn sân khấu hóa tái hiện lại những hoạt động và sinh hoạt thường nhật của những con người đã làm nên lịch sử của dân tộc Việt Nam và chặng đường lịch sử Việt Nam qua các triều đại Đinh – Lê – Lý - Trần tại mảnh đất Cố đô Hoa Lư.
Đánh trống khai hội. (Ảnh: vntrip)
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, lễ hội Tràng An còn thu hút bởi phần hội với văn hóa âm nhạc dân gian như múa cồng chiêng hát chèo, hát xẩm, biểu diễn đàn đá, cồng chiêng của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Cạn, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch thập phương tham dự và hội tụ những tinh hoa ở vùng Vạn thế danh Hoa Lư, nghìn năm linh khí biến thành đất thiêng.
Chương trình biểu diễn Quan họ trên sông. (Ảnh: vntrip)
Vì là lễ hội truyền thống, gắn với danh thắng Tràng An và mảnh đất Cố Đô Hoa Lư, nên lễ hội Tràng An có sự tham gia của hàng nghìn người gồm có tăng ni, phật tử và hàng nghìn du khách thập phương hòa mình vào không khí lễ hội.
Lễ hội Tràng An - 2022, thu hút đông đảo du khách đến tham gia. (Ảnh: Đầu Tư Online )
Lễ hội Tràng An đã khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước về một vùng đất lịch sử ngàn năm văn hiến, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.