Nguồn gốc xa xưa
Lễ hội hoa Ban đã có nguồn gốc từ xa xưa và mang yếu tố văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Thái cùng với một số dân tộc có sự giao thoa với nền văn hóa Thái. Lễ hội không chỉ diễn ra ở mảnh đất Ðiện Biên mà còn hiện diện ở nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Yên Bái…
Ảnh:datmuixanh.com
Những bô lão ở Mường Lay, Tuần Giáo (Điện Biên) kể rằng: Lễ hội hoa Ban còn được gắn với lễ hội Xên Mường hay lễ hội cầu mùa tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, khi hoa Ban bắt đầu nở trắng khắp các sườn đồi. Ðây là dịp để người dân thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân với tổ tiên và các vị thần núi, thần sông và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Ảnh: Internet
Riêng đối với đồng bào dân tộc Thái, lễ hội hoa Ban còn gắn với truyền thuyết về nàng Ban hay “Sự tích hoa ban trắng”. Ðó là một người con gái Thái xinh đẹp, nết na và rất mực thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Sau khi trải qua nhiều trắc trở, sóng gió, nàng đã chết trên sườn đồi và hóa thành cây hoa ban trắng tỏa hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ…
Ảnh: rubicontours.com
Lễ hội hoa Ban từ truyền thống đến hiện đại
Xưa kia, lễ hội hoa Ban được diễn ra trong nhiều ngày, bên cạnh các nghi thức tâm linh và các trò chơi dân gian được tổ chức ở khắp bản làng thì buổi tối là thời gian cho các điệu xòe bên ánh lửa hồng ấm áp. Ðêm cuối cùng của những ngày lễ hội là đêm đặc biệt dành cho các đôi nam nữ tỏ tình yêu nhau, hàn huyên tâm sự đến khi trời sáng. Họ tin rằng, tỏ tình trong đêm hội hoa Ban thì sẽ có được một tình yêu chung thủy như trong chuyện tình của nàng Ban…
Ảnh: Internet
Ngày nay, lễ hội hoa Ban được nâng tầm lên thành sự kiện văn hóa, du lịch, không chỉ là ngày hội của riêng dân tộc Thái mà đã trở thành ngày hội của cộng đồng các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Không chỉ dừng lại ở việc khoe sắc hoa ban, loài hoa biểu trưng riêng có của núi rừng Tây Bắc, lễ hội hoa Ban còn là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc tỉnh Điện Biên. Lễ hội hoa Ban là sản phẩm du lịch hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và khách du lịch.
Lễ hội hoa Ban 2018. Ảnh: Hai Bien Lee
Từ khi phục dựng và coi là sản phẩm du lịch đặc trưng, lễ hội hoa Ban lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2014 là hoạt động thường niên của tỉnh Điện Biên gắn với sự kiện “Chiến thắng Điện Biên Phủ” ( tỉnh Ðiện Biên đã chọn ngày 13/3 dương lịch hàng năm là ngày khai mạc lễ hội hoa Ban - đây cũng là thời điểm hoa Ban không chỉ nở trắng các sườn đồi, mà ngày nay hoa ban còn nở trắng trên từng con phố ).
Tháng 3 hoa ban nở rộ khắp những con đường ở Điện Biên. Ảnh: anviettravel.net
Lễ hội hoa Ban ngày nay, được diễn ra đầy đủ cả hai phần là: lễ và hội
Nghi thức lễ là phần mang lễ vật lên hang Thẩm Lé cúng. Lễ gồm một con lợn, mấy cành ban, hoa ban, chai rượu, hai bát gạo, hai bát cơm, vài nén hương cùng với trầu cau. Thầy mo làm lễ cúng thần hang, thần rừng, cầu cho dân chúng có suộc sống ấm no, sung túc.
Sau khi nghi thức dâng lễ vật kết thúc, thanh niên trai gái bắt đầu vui hội hái hoa, sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Âm vang nhộn nhịp của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu Thẩm Lé, điệu múa dành riêng cho việc đi hái hoa ban. Các chàng trai thi nhau trèo lên các cây ban hái hoa. Một cây có khi 5, 6 người trèo lên. Ở bên dưới, các cô gái lấy cái ớp (gần giống cái giỏ) đón những bông hoa thả xuống. Anh chàng nào có ý với cô gái nào thì thả vào chỗ cô đó. Các cô cũng vậy, ưng anh nào thì cố mà đón lấy hoa của anh đó. Kết thúc cũng là lúc trai gái chia tay nhau để xuống đồng cày cấy, mùa xuân cũng là mùa làm nương.
Ảnh: Internet
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội hoa Ban. Ảnh: Internet
Năm 2022 - Lễ hội hoa Ban khai mạc vào tối ngày 13/3 tại Quảng trường 7/5 (thành phố Điện Biên Phủ) với chương trình nghệ thuật đặc sắc theo chủ đề "Lung linh miền Hoa Ban".
Ảnh: Báo Nhân Dân
Lễ hội hoa Ban năm 2022 diễn ra từ ngày 12-14/3. Do dịch bệnh, tỉnh Điện Biên đã điều chỉnh quy mô tổ chức Lễ hội hoa Ban, chỉ tổ chức lễ khai mạc, các hoạt động trưng bày, triển lãm mà không tổ chức Cuộc thi người đẹp Hoa Ban hay các hoạt động phần hội để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và an toàn phòng, chống dịch.