Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P.8) : Lễ hội Nghinh Ông – Nét đẹp tín ngưỡng lâu đời của người dân vùng biển

16-08-2022

(kyluc-top) Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Nghinh Ông được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau : Lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế (cúng) cá Ông, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá “Ông” là sinh vật thiêng liêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề biển nói chung. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức ở các tỉnh miền ven biển Việt Nam bắt đầu từ Quảng Bình trở vào Nam (bao gồm cả Phú Quốc – Kiên Giang).

 

Theo dân gian truyền miệng, đức tin của những người con xứ biển luôn hướng về hai hình tượng tâm linh lớn nhất là Mẹ Quan Âm Nam Hải và Đức Ngài "Cá Ông" - Cá Voi. Dù là ngư dân kéo lưới thả chài ở nơi đâu, ai cũng tâm niệm khi đi biển gặp sóng to gió lớn, nếu cầu xin Ðức Ngài hiển linh thì Ðức Ngài sẽ hiện lên trong xác của một cá Voi khổng lồ hộ tống tàu bè cập bến an toàn. Chính vì sự lưu truyền đó mà cá Ông hay cá Voi là một linh vật, một vị thần phù trợ hết sức linh thiêng đối với người đi biển.  Niềm tin này lớn dần và trở thành tín ngưỡng phổ biến của ngư dân, cầu mưa thuận gió hòa, cầu quốc thái dân an, đặc biệt cầu mong sự an toàn cho những người đi biển.

Theo dân gian truyền miệng, đức tin của những người con xứ biển luôn hướng về hai hình tượng tâm linh lớn nhất là Mẹ Quan Âm Nam Hải và Đức Ngài Cá Ông.

 

Ở mỗi địa phương, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau. Tùy  từng mỗi nơi sẽ có thời gian tổ chức riêng. Ở Vũng Tàu lễ thường được tổ chức vào ngày 15/8 – 18/8 âm lịch hàng năm tại Khu di tích đình thần Thắng Tam thuộc phường 2, Tp. Vũng Tàu. Ở Cà Mau lễ hội được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm tại cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ở Tiền Giang được tổ chức vào 2 ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đình Thần xã Kiểng Phước. Ở Cần Giờ người dân tổ chức lễ hội  hàng năm từ 14-17/8 âm lịch. Và tại Khánh Hòa lễ sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 12 âm lịch… Dù được tổ chức ở địa phương nào thì lễ hội nghinh Ông cũng sẽ có 2 phần bắt buộc là phần lễ và phần hội.

 

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức ở các tỉnh miền ven biển Việt Nam bắt đầu từ Quảng Bình trở vào Nam (bao gồm cả Phú Quốc – Kiên Giang)

 

Phần lễ sẽ bao gồm lễ tếlễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con trong vùng nghênh đón, khói nhang nghi ngút, trước mỗi ghe đều bày mâm lễ vật chuẩn bị sẵn sàng ra khơi cúng Ông. Những lễ vật mà ngư dân cúng tế thường là gạo, muối, rượu, trà, hương đèn, hoa quả gà, vịt, đầu heo, heo quay … để chờ  Nghinh Ông về (đặc biệt là không được cúng Ông bằng đồ hải sản vì đây là binh tướng của Ông).

 

Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển

 

Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước Ông về lăng Ông Thủy tướng (nếu có ở địa phương đó). Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón Ông về lăng.

 

Tại bến một diễn ra hoạt động múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón Ông về lăng

 

Sau lễ rước sẽ là lễ tế diễn ra trang trọng với nghi thức cổ truyền trang trọng. Các lễ cầu an, xây dựng đại bội, hát bội diễn ra tại lăng Ông Thủy tướng.

Khác với phần lễ, phần hội được diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ cùng các lễ cúng trang trọng. Trong suốt ngày lễ hội, các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau tại gia, kể cả khách từ nơi xa đến cùng nhau mời ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình, đây là một lễ hội đậm đà và mang bản sắc thuần phong mỹ tục sâu sắc.

 

Thi đi cà kheo là hoạt động phổ biển diễn ra trong phần hội - lễ hội Nghinh Ông

 

Lễ hội Nghinh Ông mang đậm bản sắc văn hóa của người dân miền biển, được tổ chức mỗi năm 1 lần với mong ước: mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt. Đây cũng là dịp để ngư dân tỏ lòng biết ơn của mình và là dịp để vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả.


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh: Internet)