Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P.83): Lễ hội Dạ cổ hoài lang (Bạc Liêu) - Tiếng “lòng” người Nam Bộ

01-10-2022

(ky luc - top) Lễ hội "Dạ cổ Hoài lang" là một lễ hội nghệ thuật độc đáo của người Bạc Liêu nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và tôn vinh bản vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang, cùng những nghệ sĩ, nghệ nhân đã có công lao đóng góp để duy trì, phát triển làm phong phú thêm cho vốn âm nhạc truyền thống Nam bộ.

 

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Nghiên cứu lịch sử

 

Dạ cổ hoài lang - bản nhạc cổ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Dạ cổ hoài lang là bản nhạc cổ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác, nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Bản nhạc gồm 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Ngay sau khi ra đời, đã nhanh chóng trở thành một trong những bài ca chủ chốt trong phong trào Đờn ca tài tử và khi nó chuyển thành vọng cổ thì trở thành bài ca “vua” trong sân khấu cải lương. Trải qua gần một thế kỷ, bản “Dạ cổ hoài lang” đã không ngừng biến đổi từ nhịp 2 lên nhịp 4,8,16,32. Chính các nghệ nhân, nghệ sỹ người Bạc Liêu đã cải tiến làm cho bản vọng cổ ngày càng thăng hoa.

 

Ảnh: Topweb Việt

 

Nguồn gốc xuất phát lễ hội Dạ cổ hoài lang

Bạc Liêu rất tự hào là quê hương của bản vọng cổ “Dạ cổ hoài lang” và nơi đây cũng là một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Để tưởng nhớ và tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - Năm 2008 UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định tổ chức lễ hội Dạ cổ hoài lang là lễ hội cấp tỉnh và hai năm được tổ chức một lần tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tọa lạc tại đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu) vào dịp kỷ niệm ngày ra đời của bản Dạ cổ hoài lang (15 tháng 8 âm lịch). 

 

Tượng đài cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu trong khu tưởng niệm Cao Văn Lầu (tọa lạc tại đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu). Ảnh: Internet


Việc tổ chức lễ hội thể hiện sâu sắc sự tri ân công lao to lớn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền bối đã có công đóng góp cho sự ra đời và phát triển của bản nhạc Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, thể hiện tính chất của lễ hội văn hóa - du lịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương và du khách gần xa. 

 

Đặc biệt lễ hội là dịp để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Bạc Liêu Online


Các hoạt động tiêu biểu trong lễ hội Dạ cổ hoài lang

Bên cạnh việc tri ân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lễ hội Dạ cổ hoài lang còn tạo một không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo, lễ hội bao gồm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong phần lễ như: Lễ dâng hương tại khu lưu niệm, lễ giỗ tổ cổ nhạc, đờn ca tài từ, rước đèn, thả hoa đăng… cùng phần hội là các hoạt động tham quan phòng trưng bày về các ảnh, hiện vật, tác phẩm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

 

Tham gia lễ hội, du khách có dịp tham quan phòng trưng bày về các ảnh, hiện vật, tác phẩm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Iter​net
 

Ngoài ra còn có các hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội thi ẩm thực; Liên hoan Đờn ca tài tử mở rộng với sự tham gia của tỉnh, thành phía Nam; thi đối đáp bản Dạ cổ hoài lang, vọng cổ, ca cổ, hò, vè, thơ ca; chương trình công diễn trao giải thưởng “Liên hoan Đờn ca tài tử”...

 

Sinh hoạt "Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu". Ảnh: Báo Thanh Niên


Có thể nói, lễ hội đã tạo được sân chơi cho những người yêu mến nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử có dịp giao lưu với nhau. Lễ hội Dạ cổ hoài lang cũng từ đó phát huy tiềm năng về du lịch của tỉnh.   


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh nguồn: Internet)