Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P.91): Lễ hội nhảy lửa (Hà Giang) – Phong tục đặc biệt của người Pà Thẻn

06-10-2022

(ky luc – top) Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn có từ lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ, bao hàm trong đó những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.

Lễ hội nhảy lửa (tục nhảy lửa - cầu lửa)  thường diễn ra từ tháng 10 âm lịch của năm trước đến tới hết tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. 

 

Ảnh: Vn.express

 

Theo truyền thống, nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Lễ hội này còn nhằm mục đích tạ ơn các thần linh sau một năm đã phù hộ cho người dân bản có một năm mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, sống đoàn kết, gắn bó.

 

Ảnh: Quân đội Nhân dân

 

Thông thường, lễ hội nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Họ nào tổ chức thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật, gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy… Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô. Thành phần chính tham gia gồm có thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích) (Ngày nay người tham gia không bắt buộc phải là học trò cùng thầy, mà có thể là thanh niên trai tráng trong làng hoặc những học trò của thầy cúng khác cũng có thể tham gia).

 

Dân bản cắt tiết gà chuẩn bị lễ cúng. Ảnh: Internet

 

Lễ hội được bắt đầu bằng việc thầy cúng của người Pà Thẻn làm lễ cầu khẩn thần linh. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép "nhập ma" (cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó) cho những người tham gia nhảy lửa (chỉ nam giới mới là người nhảy lửa) như được tiếp sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ trước khi lễ hội bắt đầu.

 

Hoạt động cúng trong lễ hội. Ảnh: Hà Giang TV

 

Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia lễ hội nhảy lửa, họ nhảy múa trên đống than hồng rực mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của hàng nghìn khán giả. Những người đàn ông với đôi bàn chân trần  nhảy lên đống than còn đỏ rực. 

 

Ảnh: Hà Giang TV

 

Điều kỳ lạ, họ nhảy vào đống than với sức nóng như vậy, nhưng không một ai bị bỏng, lúc trở ra họ đều cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng và trong người cũng cảm thấy lạnh hơn. Những đốm than được hất tung lên trời càng làm cho người xem cũng như du khách cảm thấy thích thú và tò mò về hoạt động này. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

 

Các chàng trai Pà Thẻn sau khi được thần linh nhập sẽ lao vào đống than đỏ và dùng tay và dùng chân không có đồ bảo hộ để phá đống lửa, trong tiếng gõ liên tục của thầy cúng và tiếng hò reo của người dân xung quanh. Ảnh: Báo tin tức

 

Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng - Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau  đớn và cũng không hề bị bỏng. 

 

Ảnh: my Tuyen Quang

 

Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

 

Ảnh: Vnexpress

 

Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn,  không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác. 

 


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh: Internet)