Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P.94): Lễ hội “Mừng lúa mới” (Bình Phước) - Giữ “hồn” nét văn hóa nông nghiệp của bà con người dân tộc S’tiêng

07-10-2022

(ky luc – top) Lễ hội mừng lúa mới không chỉ đơn thuần là lễ hội của dân tộc S’tiêng mà đã trở thành ngày hội vui xuân của đồng bào nơi tuyến biên giới nói chung. Vì vậy, cứ đến tháng 12 âm lịch hằng năm, lễ hội mừng lúa mới lại được dân làng tổ chức,tụ hội với mong ước mang đến một mùa màng bội thu.

 

Bình Phước là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 40 thành phần dân tộc thiểu số, với 198.884 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người S’tiêng: 96.649 người (trong giai đoạn 2021 -2025).

Với tỷ lệ dân cư đông đúc sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thì những năm qua người đồng bào S’tiêng ở thôn Thiện Cư xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước tưng bừng mở lễ hội mừng lúa mới.

 

Người đồng bào S’tiêng ở thôn Thiện Cư xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Bình Phước Tourism 

 

Việc tổ chức lễ hội vào thời điểm bà con đã thu hoạch xong nên thu hút rất đông ngưi dân tham gia (tháng 12 âm lịch hàng năm). Đây là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của người S’tiêng để tạ ơn các vị thần linh, đất trời đã phù hộ người dân làng sau một mùa vụ bội thu, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

 

Ảnh: Internet

 

Lễ hội cũng là dịp để người dân được nghỉ ngơi sau một mùa làm việc vất vả, đồng thời đây còn là nơi để mọi người trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thanh niên, nam nữ được vui chơi, nhảy múa, ca hát và uống rượu cần, ăn cơm mới…

Nên từ sáng sớm – ngày diễn ra lễ hội, từng nhóm người làm các phần việc của mình theo sự phân công từ trước, người già làm cây nêu, những người khác thì mổ lợn, gà, chặt ống tre, người thì cho gạo vào ống để nấu cơm lam.

 

Bắt đầu từ sáng sớm ngày diễn ra Lễ hội mừng lúa mới, đồng bào S'tiêng đã cùng nhau tất bật chuẩn bị nhằm giúp lễ hội diễn ra được suôn sẻ nhất. Ảnh: Internet


 

Cho gạo vào ống Lò Ô để nấu cơm lam. Ảnh: Internet

 

Chính lễ sẽ bắt đầu vào buổi tối, bằng lễ cúng mừng lúa mới. Sau đó già làng là người khai rượu cần, mời khách bắt đầu bằng chén rượu cần, cơm lam, thịt nướng... Vừa thưởng thức rượu và các món ăn, khách vừa được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc như; múa cồng chiêng, các điệu múa truyền thống đặc trưng của dân tộc S’tiêng được những chàng trai, cô gái người S’tiêng thể hiện.

 

Thanh niên Stieng thích thú với lễ hội này, nơi họ có thể biểu diễn văn nghệ quần chúng với các tiết mục tự biên tự diễn cho bà con trong buôn sóc thưởng thức. Ảnh: Trương Thúy Hằng - Báo Biên Phòng

 

Những điệu múa cồng chiêng đặc sắc trong đêm chính hội. Ảnh: Internet
 

Đây là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của người đồng bào S’tiêng. Theo quan niệm của người đồng bào S’tiêng, dù khó khăn hay sung túc, hàng năm đồng bào vẫn phải duy trì mừng lúa mới.

 

Lễ cúng mừng cơm mới không thể thiếu tiếng cồng chiêng và rượu cần. Ảnh: Trương Thúy Hằng - Báo Biên Phòng


Ngày nay, lễ hội mừng lúa mới không chỉ đơn thuần là lễ hội của đồng bào S’tiêng mà đã trở thành ngày hội vui xuân của đồng bào nơi tuyến biên giới của huyện Bù Đốp của tỉnh Bình Phước, cùng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện, như Trung Đoàn 717, Đồn biên phòng, Công an huyện và đông đảo nhân dân cùng tham gia, tất cả tạo nên không khí lễ hội, đón xuân thêm vui tươi, đầm ấm, đoàn kết tình quân dân.

 


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh: Internet)