Top 100 Lễ hội và sự kiện nổi bật của Việt Nam 2022 ( P.96): Lễ hội SaYangVa (Đồng Nai) – Phát huy giá trị nghi lễ của đồng bào Chrau Jro

08-10-2022

(ky luc – top) Lễ hội SaYangVa còn gọi là cúng thần Lúa hay Mừng lúa mới. Đây là lễ hội truyền thống của người dân tộc Chrau Jro diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm, vào những ngày trời đ��p, đêm có trăng sáng. Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng và để lại những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp của người Chrau Jro

 

Lịch sư cư trú và lễ hội SaYangVa của người Chrau Jro 

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Chrau Jro (Chrau: người, Jro: tên bộ tộc) còn được gọi là Chơ - Ro, Ph’nôông, Tô, Ro, Dơro, Xôp… là một tộc người thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, sống rải rác ở miền núi Nam Đông Dương và chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó tập trung ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu...  Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Chrau Jro có niềm tin và tôn thờ các Thần linh (Yang) gắn với các hiện tượng thiên nhiên, sự vật gần gũi với cuộc sống của họ như Thần Lúa (YangVa), Thần Rừng (YangVri), Thần Nhà (YangNhi).

 

Người Chrau Jro (Chơ Ro) sống ở xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai

 

Năm 1999, dân số người Chrau Jro đứng thứ 5 trong tổng số 40 dân tộc đang sinh sống ở tỉnh Đồng Nai (hiện nay Đồng Nai có khoảng 15.174 người sinh sống, chiếm 56,5% tổng số người Chrau Jro tại Việt Nam).

 

Ngôi nhà dài của người Chrau Jro (Chơ - Ro). Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

 

Trước đây, đồng bào Chrau Jro (Chơ – Ro) lưu trú trong những căn nhà dài. Căn nhà của họ có khi dài tới 50m-70m mét, có vài chục hộ gia đình nhỏ ở một ấp, có một già làng sẽ đứng đầu nên lễ cúng YangVa có thể kéo dài khoảng một tuần và mang tính chất tập thể. Ngày nay nhà dài đã không còn nữa, từng hộ sẽ lần lượt cúng lễ hội SaYangVa và ở mỗi ấp có thể sẽ kéo dài cả tháng, nhưng chỉ tổ chức trong tháng 3 âm lịch

 

Ảnh: Báo Dân Sinh

 

Lễ hội SaYangVa của người Chrau Jro ở Đồng Nai

Theo thông lệ chung của dân tộc Chrau Jro trên khắp cả nước, lễ hội SaYangVa thường diễn ra vào hôm trăng sáng. Những ngày này, khi lúa, ngô đã “nằm yên” trong nhà, cũng là lúc đồng bào dân tộc thiểu số Chrau Jro ở Đồng Nai tổ chức lễ hội Già làng và bà con trong buôn mang các lễ vật như rượu cần, cơm lam, thịt thú rừng...  tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.

 

Cơm Lam món ăn - lễ vật không thể thiếu trong lễ hội. Ảnh: Đồng Nai

 

Những ngày này, khi lúa, ngô đã “nằm yên” trong nhà, cũng là lúc đồng bào dân tộc thiểu số Chrau Jro ở Đồng Nai tổ chức lễ hội SaYangVa. Khác với các dân tộc như Stiêng, Mạ, lễ hội SaYangVa của người Chrau Jro không có cây nêu và nghi thức đâm trâu. Tuy nhiên, những hoạt động biểu diễn cồng chiêng, tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ và nghi thức cúng thần lúa của dân tộc này lại mang những nét độc đáo riêng – đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

 

Ảnh: Báo Ngày Nay

 

Biểu diễn Cồng Chiêng trong lễ hội. Ảnh: Báo Đồng Nai

 

Trước ngày diễn ra lễ hội sẽ là lễ cúng YangVa, chủ nhà sẽ sách chai rượu ịt cốt (một thứ rượu cần) đi mời họ hàng, bạn bè làng xóm. Khách đến dự lễ đều được chuẩn bị một chai rượu, cũng có thể là rượu đế và phong bao tiền đều tùy vào lòng thành của chủ nhà.

 

Ảnh: Báo Dân Sinh

 

Vào ngày diễn ra lễ hội SaYangVa mọi thứ cần được chuẩn bị sẵn từ trước. Nên từ sáng sớm, hàng trăm người Chrau Jro đã tập trung tại nhà già làng, trong không khí rộn rã tiếng cười, những người đàn ông, đàn bà và cả những em bé, mỗi người tự tìm cho mình một công việc phù hợp. Bàn thờ Yang được lau chùi và trang hoàng, những ống cơm lam trong chốc lát đã được đem nướng trên than hồng, những chiếc bánh dày làm từ gạo nếp cùng đậu phộng, dầu ăn, hạt vừng trắng được cuộn tròn xếp ngay ngắn.

 

Những chiếc bánh dày làm từ gạo nếp cùng đậu phộng, dầu ăn, hạt vừng trắng của đồng bào Chrau Jro. Ảnh: Báo Đồng Nai

 

Dưới bếp thì tấp nập việc nấu nướng, còn ngoài sân, trên những khoảng đất trống trong vườn nhà ông Thổ Đực, các thanh niên lại hồ hởi với những trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đập niêu... Lớp trẻ con cũng có nhiều cách riêng để “hưởng thụ” ngày lễ hội. Các em, đứa thì xem người lớn chơi trò chơi dân gian, một số khác chơi nhảy dây, có em dõi theo người lớn bày mâm lễ, nấu nướng thức ăn.

 

Trò chơi đập niêu. Ảnh: Báo Đồng​ Nai
 

Khi các thành viên trong gia đình và họ hàng đang chuẩn bị cho lễ vật cúng thì chủ nhà sẽ đeo gùi, mang theo cái bầu nước và chà gạt đi vào rẫy để thực hiện nghi thức “rước hồn lúa”. Lễ vật sử dụng để thực hiện nghi thức gồm có: hai cây mía, hai cây chuốc non, các bông lúa có nhiều hạt và sau khi rước về nhà sẽ được chia thành hai phần: một phần để ở bàn thờ YangVa, một được đặt vào trong kho lúa.

 

Nghi lễ rước sản vật dâng lên cúng thần lúa. Ảnh: Báo Đồng Nai

 

Lễ cúng YangVa thường được cử hành từ lúc 10 giờ, làm lễ 3 lần:

- Lần đầu tiên, chủ nhà sẽ đọc lời thỉnh Yang và tổ tiên, ông bà về chứng kiến cho lòng thành của chủ nhà.
- Lần thứ hai, đọc bài khấn trả lễ mùa trước và cầu khấn cho mùa vụ tới Yang và ông bà tổ tiên sẽ cho được mùa thì sẽ trả lễ to hơn.
- Lần thứ 3 là tổ chức cúng ngoài kho lúa.

 

Thực hiện nghi thức cúng thần lúa (Yang). Ảnh: Báo Đồng Nai

 

Kết thúc bài cúng gia chủ sẽ mời khách lên nhà chính. Lễ vật và thức ăn được làm cho ngày cúng YangVa sẽ được dọn ra để đãi khách. Mở đầu cho cuộc vui, một vò rượu cần sẽ được khai mở và người phụ nữ nhiều tuổi nhất trong gia đình sẽ được mời uống trước vì người đó là tiêu biểu cho sự cai quản và chăm sóc nhà cửa, người chịu đựng nhiều khó khăn nhất, lo lắng cho gia đình…

 

Ảnh: Vietnamnet
 

Khi màn đêm buông xuống, tại một khoảng sân rộng ngay trước nhà của gia chủ, đồng bào sẽ tụ tập xung quanh bếp lửa và cùng nhau hát, cùng nhảy múa và biểu diễn các loại nhạc cụ, cồng chiêng. Riêng những người già thì ngồi bên chum rượu cần và hát đối – một tục lệ cổ xưa nhất của người Chrau Jro mà ít người còn giữ được…Họ cùng vui chơi cho đến khi bếp lửa tàn, đó thường là lúc nửa đêm, đó cũng chính là lúc lễ hội cúng YangVa kết thúc trọn vẹn.

 

Bà con đồng bào Chơ Ro và các đại biểu cùng thưởng thức rượu cần, nhảy sạp và quây quần bên ánh lửa của đêm hội. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển


Ngày trước sau khi cúng xong, người Chrau Jro ngồi lại với con cháu trong nhà, dạy cho con cháu về truyền thống, tập quán của dân tộc mình cũng như những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. 


Nhiều tục lệ cổ xưa giờ đây có thể đã dần mai một, nhưng lễ hội Sayangva vẫn luôn được truyền qua các thế hệ đồng bào Chrau Jro nhằm tạ ơn thần núi, thần sông, thần đất… đã phù hộ cho người Chrau Jro có một mùa vụ bội thu, cầu mong mưa thuận, gió hòa để mùa vụ sau nhà nhà được no đủ.

 


Anh Thư (Tổng hợp, ảnh: Internet)