Rất nhiều tài liệu, sách vở, phim ảnh đã nói về địa đạo "có một không hai” này. Nơi đây là địa danh được nhiều người tìm đến để được tận mắt quan sát “ngôi làng thu nhỏ trong lòng đất” độc đáo ở Việt Nam.
Du lịch địa đạo Củ Chi hiện nay ngày càng phát triển bởi đây không chỉ là điểm đến có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn là điểm du lịch hấp dẫn gắn liền với những công trình quân sự nổi tiếng tại Việt Nam. Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép,” một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Địa đạo Củ Chi là một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt của thế giới, cũng là một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á, nơi đây là điểm đến thú vị thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử chiến tranh của quân dân Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Lịch sử địa đạo Củ Chi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp, giai đoạn năm 1946 – 1948. Công trình được thực hiện bởi quân và dân xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An nhằm ẩn nấp, cất giữ vũ khí, quân tư trang. Ban đầu, mỗi ngôi làng tại đây đều có một hầm căn cứ riêng, tuy nhiên, do nhu cầu đi lại, vì vậy họ đã kết nối với nhau để tạo nên một hệ thống liên hoàn. Công trình địa đạo Củ Chi hiện nay nối liền 6 xã phía Bắc của địa đạo Củ Chi. Từ công trình này, quân sự có thể dễ dàng liên lạc, che giấu lực lượng, họp bàn những kế hoạch cách mạng.
Địa đạo Củ Chi được đào theo dạng “xương sống”, các tổ du kích ngày xưa đào thêm những đường “xương cá” chằng chịt rẽ ra hai bên dùng làm điểm trú ẩn hoặc ổ chiến đấu cá nhân bảo quản cho riêng mình. Càng về sau, hệ thống địa đạo được thiết kế thêm các nắp thượng, nắp hạ (cấu trúc theo hình chữ Z) để tránh ngạt nước khi địch bơm nước vào, “nút chai” để tránh bom ngạt của Mỹ. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây.
(Ảnh: Internet)
Bởi lẽ đó, sẽ thật là thiếu sót nếu du khách đến thăm địa đạo Củ Chi mà bỏ qua cơ hội chui và khám phá vào bên trong những đường hầm nằm sâu dưới lòng đất. Du khách có thể chiêm ngưỡng những đoạn đường hầm – nơi mà quân và dân ta hoạt động trong thời kỳ chiến tranh. Đoạn đường hầm có chiều dài 120m với 2 tầng sẽ giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống dưới lòng đất của dân và quân ta vào những tháng ngày gian khổ nhưng hào hùng.
Hệ thống địa đạo được đào từ năm 1946 và diễn ra trong suốt hơn 20 năm. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm, căn cứ ngầm sâu dưới lòng đất từ 3 đến 12m; gồm 3 tầng có thể chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Trong địa đạo rất hẹp, chỉ cho một người đi và phải cúi sát mặt đất mới di chuyển được. Ngày nay, những đoạn hầm cho khách tham quan đều được lắp đèn. (Ảnh: Internet)
Lối vào và thoát thực tế của các chiến sĩ ở địa đạo rất nhỏ, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Khi nắp hầm đóng lại được ngụy trang bằng lá khô, đất cát... (Ảnh: Internet)
Sau hoạt động trải nghiệm chui hầm, du khách tiếp tục di chuyển đi tham quan Bếp hoàng cầm và tận mắt chứng kiến một phát minh hết sức sáng tạo trong việc giấu khói của các chiến sĩ ta thời đó. Bên cạnh đó, du khách sẽ được thưởng thức khoai mì – muối mè, một món ăn dân dã, giản dị nhưng lại vô cùng thơm ngon.
Bếp dã chiến Hoàng Cầm mang tên người sáng tạo ra, được sử dụng phổ biến trong địa đạo. Loại bếp này có công dụng làm tan loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Xung quanh bếp đều có những hầm nhỏ dẫn đến các căn cứ ngầm khác. (Ảnh: VnExpress)
Khoai mì với muối mè đã trở thành món ăn đặc sản của Củ Chi (Ảnh: Internet)
Là nơi gắn liền với lịch sử và chiến tranh nên cho đến nay địa đạo Củ Chi vẫn còn giữ những vết tích của chiến tranh ngày tại khu tái hiện. Tại đây, du khách sẽ được xem những thước phim tái hiện toàn bộ cảnh sinh hoạt, chiến đấu của quân và nhân dân ta dưới địa đạo. Hơn nữa, du khách còn có thể được chiêm ngưỡng nhiều mô hình di tích, lịch sử nổi tiếng của Việt Nam như: cầu Long Biên, chùa Một Cột, bến Nhà Rồng, cầu Sài Gòn,...
Kết thúc chuyển hành trình, du khách sẽ viếng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - một công trình lịch sử văn hóa được xây dựng trên khu đất rộng 70.000m2. Đây là nơi để mọi người cùng lắng đọng tâm hồn mặc niệm và thắp hương tưởng nhớ tới các Anh hùng Liệt sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc trong kháng chiến.
Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược là một công trình lịch sử văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ . (Ảnh: Website Địa đạo Củ Chi)
Thông tin về Tour Địa đạo Củ Chi, quý độc giả có thể liên hệ:
VIETNAMTOURISM Địa chỉ: 234 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh Điện thoại: (+84) 28 3932 6776 – (+84) 28 3932 6775 Email: headoffice@vietnamtourism-hcmc.com.vn Website: http://www.vietnamtourism-hcmc.com.vn/ |