1. Bun Pi May (Lào)
Lễ hội Bun Pi May diễn ra từ ngày 13 - 15 tháng 4 theo Phật lịch. Nó thường được tổ chức trên khắp đất nước nhưng vui nhất là ở Luang Phrabang và VangVieng. Du khách có thể tận hưởng không khí lễ hội thực sự với nhiều trò chơi dân gian thú vị và còn được tham quan kỳ quan Luang Phrabang. Vào dịp này, người dân Lào tụ họp để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, tắm nước thơm cho các tượng Phật, nghe thầy giảng và xông nhà, chùa, cây cối, súc vật để gột rửa những điều xấu, bệnh tật, cầu mong một năm mới khỏe mạnh.
Bên cạnh nghi lễ té nước, người Lào còn có một phong tục độc đáo khác đó là buộc chỉ quanh cổ tay. Họ buộc những sợi chỉ nhiều màu sắc như gửi gắm may mắn và sức khỏe cho người bị buộc. Phong tục này tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại thể hiện sâu sắc sự hiền hòa của người Lào.
2, Lễ hội té nước Songkran (Thái Lan)
Tết cổ truyền của Thái Lan - Songkran - được tổ chức hàng năm từ ngày 13-15 tháng 4. Đây là thời điểm người Thái bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn cho những ngày lễ. Theo phong tục của họ, mọi người sẽ đến ven sông hoặc bờ biển, xây dựng các ngôi đền hoặc chùa bằng cát với niềm tin rằng từng hạt cát sẽ cuốn theo tội lỗi của mình. Vào sáng sớm của năm mới, người dân địa phương thường làm một số nghi lễ tại đền chùa, dọn dẹp và té nước cho người già để tỏ lòng thành kính với họ. Tại nhà, các tượng Phật được lau và tẩm hương cẩn thận. Trong lễ hội té nước Songkran, nhiều cuộc diễu hành, cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Mọi người mặc trang phục sặc sỡ và nấu những món ăn truyền thống.
Lễ hội té nước ở Thái Lan thu hút nhiều khách du lịch hơn các nước khác bởi quy mô tổ chức và tính giải trí. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chú voi to lớn tham gia lễ hội cùng mọi người và chúng còn cảm thấy vui hơn chúng ta rất nhiều vì được tắm mình dưới nước trong tháng thời tiết nắng nóng nhất. Đặc biệt, trong lễ hội té nước Songkran, mọi người sẽ té nước vào nhau bằng xô, súng nước, bóng nước, … bạn càng ướt thì bạn càng nhận được nhiều may mắn trong năm mới.
3. Lễ hội té nước Chol Chnam Thmay (Campuchia)
Lễ hội Chol Chnam Thmay cũng được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 hàng năm và du khách thường thích đến Siem Reap và Phnom Penh để tham gia lễ hội té nước. Trang phục trong các ngày lễ hầu như tương tự như các quốc gia kể trên, nhưng một điều đặc biệt khác bạn không thể bỏ qua trong lễ hội té nước Campuchia đó chính là màn múa Apsara - điệu mua truyền thống của Campuchia.
Bên cạnh việc tham gia lễ hội té nước, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn truyền thống của người Khmer như Amok, cà ri đỏ Khmer, cua rang me, bò xào… nấu với rượu thơm.
4. Lễ hội Thingyan (Myanmar)
Lễ hội té nước Thingyan bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại liên quan đến các vị thần. Theo lời kể của người Myanmar, Thần Indra và Thần Brahma đang tranh cãi về thuật chiêm tinh, nhưng không ai chịu thua nên cả hai đã ra quyết định người thua sẽ bị mất đầu. Cuối cùng, Thần Indra đã chiến thắng nhưng ngài không thể ném đầu của Thần Brahma xuống biển vì nó sẽ rút cạn nước, cũng không thể ném nó xuống đất vì trái đất sẽ nổ tung.
Thần Indra quyết định trao đầu của Thần Brahma cho các Nat (Thần bảo vệ người Myanmar) thay phiên nhau giữ chiếc đầu đó. Vậy nên lễ hội ngày đầu năm mới này diễn ra để ăn mừng việc chuyển đổi người giữ đầu của Thần Brahma. Ngoài ra người Myanmar tin rằng hàng năm, các vị Thần được cử xuống trần gian để chăm sóc và bảo vệ cuộc sống của con người. Vì vậy lễ hội té nước mừng năm mới ở Myanmar xuất phát từ ý nghĩa mong muốn giữ hòa bình cho vạn vật trên thế gian và cầu mong sự phù hộ của các vị thần.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á (Aseanrecords.world) – Vietkings