Hồ được chia ra 3 phần bởi ba con đê ngăn là đê Tô (Tô đê), đê Bạch (Bạch đê), và đê Dương Công (Dương Công đê). Hồ cũng có thể chia thành 5 hồ nhỏ gọi là Ngoại Tây Hồ, Lí Tây Hồ, Hậu Tây Hồ, Tiểu Nam Hồ và Nhạc Hồ. Trong hồ có 1 ngọn núi thấp (đồi) gọi là Cô Sơn chiếm diện tích khoảng 200.000 m² và 3 đảo là Hồ Tâm Đình, Tiểu Doanh Châu, Nguyễn Công Đôn.

Vẻ đẹp của Tây Hồ luôn luôn huyền ảo không chỉ trong thơ ca. Nhìn trực tiếp, hồ lung linh kỳ ảo hơn trên hình ảnh rất nhiều, mặt hồ xanh biếc, phẳng lặng, được bao phủ trong tầng sương mù miên man, cảnh sắc quả đúng như lời người xưa truyền tụng: nhất núi, nhị đê, tam đảo, ngũ hồ, tất cả tạo nên sự mê hoặc níu chân du khách, đến một lần không nỡ rời đi.

Vẻ đẹp của Tây Hồ thể hiện ở sự khác biệt về bốn mùa trong năm, về thời điểm trong ngày và yếu tố nắng mưa của thời tiết. Vào những mùa khác nhau du khách đều có thể cảm thụ được cái đẹp đặc thủ riêng của Tây Hồ ở những góc độ khác nhau, và mỗi du khách đến với Tây Hồ đều có được những trải nghiệm riêng độc đáo của mình.

Có mười danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất trên Hồ Tây, mỗi danh lam thắng cảnh được ghi nhớ bằng một văn bia bốn ký tự. Nói chung, chúng được gọi là "Tây Hồ Thập Cảnh" (10 thắng cảnh ở Tây Hồ). Mỗi cảnh được đánh dấu bằng một tấm bia với một văn bia được viết bằng thư pháp của Hoàng đế Càn Long.

Tây Hồ Thập Cảnh sống động khác biệt về bốn mùa trong năm, vào các thời điểm trong ngày. Vào xuân, vẻ đẹp Tây Hồ được thể hiện rất xúc động lòng người. Cảm xúc dâng trào trước cảnh sắc nơi đây không chỉ khiến Bạch Cư Dị ngẩn ngơ mà còn hút hồn biết bao thi nhân nổi tiếng của Trung Quốc như: Tô Đông Pha, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lạc Tân Vương, Mạnh Hạo Nhiên,...
Theo Liên minh Kỷ lục Thế Giới (Worldkings.org)