1. Cua sốt ớt Singapore
Món ăn này được ra đời vào những năm 1950 và đã là một trong những niềm tự hào dân tộc ở người Singapore. Món ăn này đơn giản chỉ là cua chiên giòn trong nước sốt chua ngọt cay cay, và điểm đặc biệt nhất chính là nước sốt của món.
Vị đầu bếp Hooi Kok Wah đã là người tạo ra loại sốt hiện nay được dùng, với loại sốt cay được làm từ ớt, hẹ tây, tỏi, gừng, tương cà chua, giấm, nước cốt chanh và lòng trắng trứng.
Cua sốt ớt Singapore thường được ăn kèm với mantou (bánh hấp Trung Quốc).
2. Udang balado
Udang balado là món ăn đến từ tỉnh Tây Sumatra của Indonesia, quê hương của người Minangkabau, được biết đến với xã hội theo chế độ mẫu hệ và ẩm thực cay “thở ra lửa” của họ. Lado, có nghĩa là “ớt” trong phương ngữ Minang, là nguyên liệu chính tạo nên tên gọi của món tôm này và là một loại gia vị cay.
Để làm món ăn này, một loại gia vị được chuẩn bị bằng cách giã ớt đỏ, hẹ tây, tỏi và cà chua bằng chày và cối. Sau đó, hỗn hợp này được xào với chút dầu cho đến khi có mùi thơm trước khi cho tôm vào. Một chút đường được thêm vào để làm dịu nhiệt. Ở một số phiên bản khác, món ăn còn được cho thêm mắm tôm và sả vào để tăng thêm hương vị.
3. Amok trei
Được nấu trong những gói lá chuối thơm, món cà ri cá hấp của người Khmer có nguồn gốc hoàng gia này nổi bật với kết cấu giống như kem.
Phần quan trọng nhất của món cá này là kroeung, một loại gia vị bao gồm sả, riềng, nghệ, lá chanh kaffir, tỏi, hẹ tây và ớt đỏ khô. Để làm món ăn này, kroeung được trộn với nước cốt dừa, nước mắm, đường thốt nốt và trứng đánh tan, sau đó trộn với cá trước khi toàn bộ hỗn hợp được hấp chín.
Thường thì phi lê cá bống, cá lóc hoặc cá trê sẽ được sử dụng để làm món này, tuy nhiên có thể thay thế bằng bất kỳ loại cá trắng nào.
4. Asam pedas ikan
Cũng được cho là có nguồn gốc từ ẩm thực Minangkabau, món cá hầm chua cay này được yêu thích ở Indonesia, Malaysia và Singapore. Món ăn này có vị chua chua từ asamawa (me) và vị cay từ ớt đỏ khô trộn với các loại nguyên liệu khác như hẹ tây, gừng, tỏi và riềng.
Ở Malaysia, bang Melaka nổi tiếng với món asam pedas được làm từ cá đuối hoặc jenahak (cá hồng) nấu trong nước sốt thơm với đậu bắp, cà chua, cà tím và rau răm.
Điều thú vị là cộng đồng người Hoa Peranakan ở Melaka thường sử dụng dứa và mắm tôm trong món asam pedas ikan của họ.
5. Miến lươn
Món ăn dân dã này, được cho là có nguồn gốc từ vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, sử dụng lươn được nêm muối, tiêu đen, nước mắm và gừng xay sau đó chiên ăn với mì dong.
Nước dùng được ninh từ đầu và xương lươn, xương heo và gừng. Nước dùng được chan vào phần mì đã chần qua, cùng với những cuộn thịt lươn chiên, hành lá, rau răm và hạt tiêu đen, và ăn kèm với nước chấm.
6. Keropok lekor
Đôi khi được gọi là xúc xích cá, keropok lekor là một món ăn nhẹ được nấu hai lần có nguồn gốc từ Terengganu ở Malaysia, nơi đánh bắt cá là một ngành công nghiệp chính.
Ở bang Bờ Đông của bán đảo Malaysia này, các loại cá đánh bắt phổ biến như ikan parang (cá lanh) và ikan kembung (cá bạc má) được biến hóa thành một món ăn chiên nhỏ như ngón tay để dễ dàng bảo quản.
Keropok lekor được chế biến bằng cách kết hợp cá đã được lóc xương, xay hoặc giã với bột cao lương và nước để tạo thành một loại bột dẻo. Bột sau đó được cán thành những sợi dài, luộc chín trong nước sôi và đem phơi nắng.
Sau khi chúng đã giòn hoàn hảo, những sợi này có thể được giữ lại cho đến khi cần dùng, hoặc được chiên giòn và phục vụ với tương ớt sản xuất tại địa phương.
7. Cà ri đầu cá
Được tạo ra bởi chủ nhà hàng MJ Gomez, một người nhập cư từ bang Kerala của Ấn Độ, món cà ri đầu cá được giới thiệu đến người dân Singapore vào năm 1949.
Món ăn có màu đỏ rực với các loại gia vị như nghệ, cỏ cà ri, rau mùi, thì là và bột cà ri, đã trở nên thành công và được phục vụ trong nhiều nhà hàng Trung Quốc trên hòn đảo.
Ngày nay, cà ri đầu cá không chỉ được thưởng thức ở quê hương Singapore mà còn ở Malaysia.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á (Aseanrecords.world) – Vietkings