[TOP XUÂN 2023] TOP các lễ hội mùa xuân trên đất Việt (P.10): Đại lễ vía Đức Chí Tôn (Tây Ninh) – Sự đan xen hòa hợp giữa tinh thần dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo

26-01-2023

(kyluc-top) – Hàng năm, nhằm ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, Đại lễ vía Đức Chí Tôn đạo Cao Đài lại được tổ chức tại nội ô Tòa thánh Tây Ninh. Đại lễ này của đạo Cao Đài trở thành một nét đặc sắc, rất riêng có của "đất thánh" Tây Ninh.

Theo định nghĩa trong sách Cao Đài từ điển của tác giả Đức Nguyên thì ngày vía Đức Chí Tôn (tức là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế) là một ngày tượng trưng được chọn theo thuyết âm dương của Nho giáo. Theo đó “Số 1 là số khởi đầu, là số dương, nên chọn tháng là tháng 1, tức là tháng Giêng. Số 9 là số thuần dương nên chọn ngày là ngày 9”. Như vậy theo Dịch số, Vía Đức Chí Tôn được chọn là: ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Cũng theo Dịch số của Nho giáo: “Số 0 tượng trưng Vô Cực, là Hư Vô chi khí. Số 1 tượng trưng Thái cực là ngôi của Đức Chí Tôn… nên chọn số 1 làm tháng (chọn tháng trước ngày sau), đến số 9 là số thành hình nên chọn số 9 làm ngày. Do đó, ngày Vía Đức Chí Tôn được chọn là ngày mùng 9 tháng 1 để bày tỏ cho biết quan niệm về vũ trụ: cái khởi đầu và cái sau cùng hình thành càn khôn vũ trụ và vạn vật, hoàn toàn do quyền năng của Đức Chí Tôn. Từ đó theo tín ngưỡng đạo Cao Đài, hằng năm tôn giáo này có hai ngày lễ trọng đại nhất là vía Đức Chí Tôn, chính lễ là ngày mùng 9 tháng giêng, và vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tức lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, ngày rằm tháng 8 âm lịch.

Đại lễ Vía Đức Chí Tôn được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc sớm, nhà nhà hạnh phúc, no đủ, đây cũng là dịp các đạo hữu tạo phước cho bản thân và con cháu mai sau. Ngoài ra, đây cũng là truyền thống ôn lại, nhắc nhở các tín đồ luôn nhớ về công ơn của đấng sinh thành. Luôn luôn gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của Đạo. Đại lễ như là dịp để người dân Cao Đài nghiêm chỉnh sinh hoạt tôn giáo thuần túy, đúng theo tôn chỉ. Mục đích đường hướng hành đạo, tu dưỡng đạo đức bản thân, thực hiện việc nhân nghĩa, đoàn kết, thương yêu.  

 

 

Đại lễ vía Đức Chí Tôn gồm hai phần lễ và hội được diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt đông thú vị. Vào phần lễ, trong trang phục áo dài trắng truyền thống, các tín đồ đạo Cao Đài thực hiện nghi thức cúng viếng, cầu nguyện Đức Chí Tôn. Kết thúc, buổi lễ dâng hương và cầu kinh trong tình yêu thương của đồng đạo, người người kéo nhau đến xem những tác phẩm trưng bày, mô hình tái hiện về các sự tích cội nguồn.  Triển lãm trưng bày các mô hình, tái hiện lại quá trình lập nước và dựng nước của cha ông, anh hùng huyền thoại cổ xưa được lưu danh ngàn đời, được các họ đạo trong tỉnh Tây và các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Đồng Nai, Kiên Giang… cùng thực hiện và các câu chuyện cổ tích, lịch sử mang ý nghĩa hướng thiện nhớ về cội nguồn như sự tích trầu cau, Mai An Tiêm, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Hai Bà Trưng. 

 

 

Phần hội buổi tối sẽ diễn ra múa Long Mã, Tứ Linh, biểu diễn nhạc Sắc Tộc trước đền thánh và Báo ân từ. Cặp ngựa nhảy múa theo tiếng trống gióng hồi một rộn ràng, theo sau đó là các Trật tự viên cầm Bảng Đạo cùng giàn Bát Bửu, kế tiếp là Đội Trống Sa Dăm với tiếng trống như sấm rền, Đội Nữ KhMer và Đội Nữ Tà Mun bước đi theo tiếng nhạc của Dàn nhạc Ngũ  Âm. Đội Rồng Nhang với trên 50 người điều hành múa cùng với cặp Ngọc Kỳ Lân, cặp Linh Quy, cặp Hỏa Phụng, Đội Bạch phụng, Đội kèn Tây và các đầu lân cù, rồng vải, Tam Tạng thỉnh kinh diễu hành hai vòng xung quanh sân Đại Đồng Xã rất sinh động, náo nhiệt.

 

 

Đạo Cao Đài là tôn giáo có sự dung hòa nét nổi bật của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật Giáo, Đạo Giáo, Kitô Giáo… Bởi thế, công trình thờ tự, hành lễ có sự giao thoa của nhiều trường phái kiến trúc Á - Âu, nhưng vẫn toát lên vẻ huyền bí phương Đông với những dấu ấn, mảng màu đặc trưng. Mọi người tham dự ngày Đại lễ không chỉ được thưởng thức văn hóa độc đáo, mà còn cảm nhận được sự mến khách hay lòng yêu nước, tự hào dân tộc qua từng tiết mục trình diễn, điệu nhạc, nhịp trống,...


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)