Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu: “Con người có tổ có tông Như cây có cội, như sông có nguồn” Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.
Nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, khi sắp đến Tết Nguyên đán, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận. Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.
Tục lệ tảo mộ có từ bao đời nay, theo truyền thống, nhiều gia đình với các thế hệ cùng đi tảo mộ ông bà vào 25 tháng Chạp. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, cứ sau ngày 10 tháng Chạp tới 30 Tết, khi gia đình đã đông đủ cháu con có thể xách hoa, trái cây, bánh trái tới để cúng ông bà tổ tiên.
Tảo mộ, hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Ngày tảo mộ không chỉ sửa sang lại phần mộ cho gọn gàng, sạch đẹp mà còn là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy, giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong một năm với gia đình, dòng họ. Điều này thể hiện tính nhân văn trong văn hóa Việt: Coi các tiền nhân đã khuất như vẫn đang hiện diện cùng mọi người, và cũng là cách nhắc nhở để mọi người không nên làm những việc phải hổ thẹn với gia tiên tiền tổ.
Tảo mộ cũng là dịp cả nhà cùng nhau đi thăm viếng mộ phần người đã khuất, là hoạt động thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên - là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nhằm nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông" của cha ông ta bao đời nay. Theo phong tục thì lễ tảo mộ được coi như một ngày giỗ chung cả tổ tiên, dòng tộc. Khi các thành viên đi tảo mộ, thì ở nhà sẽ có những người chuẩn bị sẵn mâm cúng để dâng lên các chư vị tiên linh. Khi đi tảo mộ, bên cạnh việc chăm sóc cho mồ mả của gia đình thì mọi người cũng sẽ cùng nhau để ý đến những ngôi mộ hoang không có người chăm sóc.
Mọi người cùng phát cỏ, dọn dẹp mộ phần, trang trí lại mộ phần cho tươm tất rồi mời ông bà, tổ tiên cùng về nhà đón tết cùng con cháu. Gia đình nào cũng phải bố trí làm sao để trước chiều 30 tết, công việc tảo mộ phải xong xuôi mới về để đón giao thừa. Cận giao thừa mà việc tảo mộ chưa xong thì con cháu còn bộn bề trong lòng, chưa thấy an yên.
Tảo mộ là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân. Bởi vậy, dù đi đâu, ở đâu, hàng năm, những người con xa xứ cũng nhớ quay về quê xưa, chốn cũ tham gia tảo mộ. Đây cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và là niềm tin vào việc để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc vào năm mới sắp đến.