[TOP XUÂN 2023] TOP các phong tục đón Tết của người Việt (P.4): Tẩy trần đêm tất niên – Cảm nhận mùi Tết qua hương thơm nồng nàn

19-01-2023

(kyluc-top) – Chỉ cần thấy mùi nước cây Mùi già, là đã thấy Tết về. Bởi xưa nay, tắm nước lá mùi già chiều 30 Tết và rửa mặt cây mùi già mỗi buổi sáng sớm trong ba ngày Tết là nghi lễ cổ truyền của người Việt. Xông tắm tất niên mang ý nghĩa gột rửa đi những chuyện không hay, tẩy đi những bụi trần trong suốt một năm để chuẩn bị đón một năm mới tinh khôi. Nồi nước lá Rửa mặt Tân niên sáng mùng một Tết lại nhằm mang đến sự sảng khoái, thanh tỉnh với ý nghĩa về sự khởi đầu tốt đẹp thơm thảo đầu tiên của năm mới.

Chẳng biết từ bao giờ, cứ mỗi 30 Tết, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị tay xách nách mang những bó mùi già lại trở nên quen thuộc. Tục tắm nước lá mùi già hay còn gọi là tục “tẩy trần đêm Tất niên” đã trở thành một nét đẹp văn hóa gần gũi, thân thương ở nhiều địa phương miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, mỗi dịp đón Xuân về. 

 

 

Cây Mùi – còn được biết đến với các tên gọi như: Mùi ta, Ngò, Ngò rí, Hồ tuy, Nguyên tuy, Hương tuy… – là loại cây quen thuộc trong ẩm thực của người Việt. Từ bát canh măng miến đến đĩa nộm đu đủ hay nộm hoa chuối v.v. đều phảng phất hương thanh thanh của loài cây thân thảo nhỏ bé. Trong bữa cơm ngày thường hay trong mâm cỗ ngày Tết mà thiếu vắng rau mùi rắc lên thì coi như thiếu đi sự trọn vẹn.

Mùi là loại rau của mùa đông. Cây mùi dùng để nấu nước tắm là những cây đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía. Mùi già cho hương thơm sâu lắng rất riêng biệt, đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương thơm đến vài ba ngày Tết.

Để có được những cây Mùi già ấy, các gia đình trồng rau thường bớt lại ở luống rau những cây Mùi to, khỏe để chúng ra hoa kết quả lấy hạt làm giống vụ sau hoặc dùng nấu nước tắm chiều 30 tết. Những cây Mùi còn bớt lại ấy vươn cao chừng nửa mét là bắt đầu trổ hoa. Những chấm hoa tí xíu màu trắng, tỏa hương kín đáo giữa thảm lá xanh mướt, mảnh mai. Mùi ra hoa rồi kết quả. Những quả Mùi xanh ngắt, tròn xoe, chỉ to bằng hạt đỗ xanh, treo khắp thân cây. Lúc ấy, nhìn những thân cây rau Mùi già khẳng khiu và mong manh như những cây tăm gầy đeo những chùm hạt căng mẩy, nhỏ nhắn tròn xoe đứng phất phơ trên những mảnh ruộng giữa cánh đồng lộng gió lạnh cuối năm khiến ai cũng thấy nao lòng... Đứng cạnh luống Mùi già, có khi chưa thấy hương thơm, nhưng cứ lấy tay chạm khẽ vào cây là mùi thơm sẽ dậy lên.

 

 

 

Hương cay, ấm của tinh dầu trong lá mùi còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, lưu thông khí huyết. Cây Mùi già mua về phải rửa sạch bụi đất, chú ý không để rập nát lá, rồi cho vào nồi nước đun sôi, thế là có nồi nước tắm tất niên. Chỉ cần 2 bó Mùi già nho nhỏ thì khi nồi nước sôi đã bốc hương thơm lừng, ấm áp, tinh khiết, nhẹ nhàng lan tỏa khắp nhà.  Khi đun nóng lên, hương mùi theo làn khói bay rất xa. Càng đun lâu, tinh chất từ cây mùi già tiết ra càng nhiều và đậm đặc.

 

 

Theo quan niệm dân gian, khi tắm thứ nước nấu bằng Mùi già này, mọi vận đen đủi, buồn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ, chỉ còn lại trong ta một cảm giác sảng khoái để đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn hơn. Chiều cuối năm, hương mùi hòa quyện với hương gió, mới ngửi thôi cũng đủ xua tan đi bao mệt nhọc. Tự nhiên ta muốn chậm lại để mà tận hưởng khoảnh khắc lắng đọng này. 

Bên cạnh đó, vào ngày cuối cùng của năm, người Việt cũng có phong tục xông nhà nhằm đẩy lùi các uế khí, vận hạn của một năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới tốt lành. Gia chủ mang đĩa xông sau khi đốt đi quanh nhà theo nguyên tắc từ tầng trên xuống tầng dưới, trong ra ngoài, tất cả không gian, trong cả các góc tối và kết thúc ở phòng khách, đi theo chiều kim đồng hồ với ý nghĩa thông suốt, thuận lợi. 

 

 

 

 


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)