[TOP XUÂN 2023] TOP các phong tục đón Tết của người Việt (P.8): Hái lộc – Đem may mắn về nhà ngày đầu xuân

27-01-2023

(kyluc-top) – Sau thời khắc giao thừa hoặc vào những ngày Tết, người Việt thường đến các ngôi đền, chùa hái lộc đầu xuân để hi vọng một năm mới bình an, may mắn và phát tài cho cả gia đình.

Hái lộc xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam trong thời khắc giao hòa giữa đất trời. Việc hái lộc được mọi người rất thích vì quan niệm rằng sẽ mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa ''Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

 

 

Theo tích xưa kể, từ thời Vua Hùng đã xuất hiện tục hái lộc. Chuyện kể rằng khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển. Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con." Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.

 

 

Theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, hái lộc xuân từ những cây thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, sanh, si) sẽ mang đến cho mọi người những điều may mắn nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng) trấn ải vùng ngoại thất, còn những lộc hái từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật (tùng, cúc trúc, mai) ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất bốn góc nhà sẽ phối hợp tạo niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình. 

 

 

Đầu năm, mọi người sau khi đến đình, chùa thắp hương đầu năm sẽ hái một nhánh cây non mang về treo trước nhà hoặc bày trên bàn thờ với hy vọng có thể đem phước lộc về cho gia đình. Khi hái xong thì niệm chú: "Xin lộc lấy may!" rồi mới ngắt, không được cho lộc nếu không sẽ mất lộc.  

 

 

"Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc. Lộc ở đây không chỉ là tài lộc, còn là may mắn bình an, của sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành dù có khó khăn, khắc nghiệt đến thế nào. Sau cơn mưa trời lại sáng và nhiều điều bất ngờ đang chờ đón chúng ta phía trước.  Từ "hái” trong cụm từ “hái lộc” không chỉ có nghĩa bình thường, tức nghĩa đen của nó, là tay người ngắt từ cành cây một đóa hoa, một quả ngọt hoặc một nhánh non vừa mới nhú. Từ “hái” khi được ông bà ta ghép với từ “lộc” mang một ý nghĩa rất nhân văn mà qua đó, tiền nhân muốn gởi gắm cho con cháu một ý nghĩa về giáo dục rất sâu xa. Đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai”…rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam.

 

 

Cho nên “hái lộc” về mặt nhân văn chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế là những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu… điều đắc ý đến với chúng ta, tức là những ước muốn tốt đẹp đầu xuân ta gặp được như một sự ban tặng của thiên nhiên, của đất trời, của Phật thánh… khi điều ước muốn ấy đã đủ duyên, tức đã hội đủ sự giao cảm giữa tâm và vật, giữa nhân duyên và kết quả.

 


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)