Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen nằm cách Thành phố Kon Tum khoảng 60km, với độ cao 1200m. Nơi đây sở hữu bầu không khí mát mẻ, trong lành với nhiệt độ không bao giờ quá 20 độ C. Tượng Đức mẹ Măng Đen hay còn gọi là Đức Mẹ cụt tay là một di tích đã tồn tại gần nửa thế kỉ trên mảnh đất Kontum, trải qua biết bao biến cố bức tượng ngày nay đã trở thành một địa điểm du lịch hành hương tâm linh cho du khách khi đến với vùng đất này.
(Ảnh: Internet)
Theo tài liệu của Tòa Giám mục Kon Tum, và tường trình của linh mục Giuse Nguyễn Minh Kông (còn được viết là “Công”) thì đây là bức tượng được tạc theo tượng Đức Mẹ Fatima do linh mục Tôma Lê Thành Ánh tặng. Bức tượng này được linh mục Kông mang lên tiền đồn Măng Đen bằng trực thăng (ngày nay vẫn còn dấu tích một sân bay dã chiến rất rõ, cách vị trí tượng khoảng 2 km). Tượng được dựng trên một trụ đài đơn sơ như hiện nay vào giữa năm 1971. Năm 1974, do hỏa lực chiến tranh Việt Nam, tiền đồn Măng Đen bị triệt bỏ, bức tượng cũng bị hư hỏng ít nhiều và bị bỏ phế sâu trong rừng rậm.
Tượng Đức Mẹ lúc ban đầu được phục dựng (Ảnh: Internet)
Sau chiến tranh, bức tượng bị bỏ phế trong một thời gian dài vì không có tuyến giao thông và không có cư dân sinh sống gần đó. Đầu thập niên 1980, do ảnh hưởng từ chính sách Xây dựng các vùng kinh tế mới của chính phủ Việt Nam, một số người dân sinh sống tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện ra bức tượng này, nhưng không có sự quan tâm đặc biệt nào. Theo ghi nhận của linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, ghi chép cuộc trao đổi với bà Đào Thị Hương, người được cho là đã có công bảo tồn bức tượng, thì cho đến đầu năm 1987, tượng vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, đến cuối năm 1987 thì tượng bị mất đầu, mất tay, nhưng không rõ nguyên nhân...
Trải qua nhiều lần tu sửa và phục dựng, tượng Đức Mẹ không còn giữ nguyên được hình dáng ban đầu (Ảnh: Internet)
Tượng Đức Mẹ Măng Đen được làm bằng bê tông cốt thép, cao khoảng 1 mét. Tượng được đặt trên một bệ tượng làm bằng xi măng kết với các đá cuội tự nhiên. Phần thân tượng mang điểm hình dáng dấp của tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng phần đầu được phục chế lại mang khá nhiều hình dáng phụ nữ vùng Tây Nguyên Việt Nam. Phần tay tuy được phục chế nhiều lần, nhưng về sau được giữ nguyên hình dáng tay cụt. Nhiều giáo dân cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ phù hộ cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS... Giữa khung cảnh rừng núi mênh mông, thâm u, xung quanh là rất nhiều hoa và những dãy ghế đá, với những tấm biển "Tạ ơn Đức Mẹ" được những người giáo dân mang đến, bức tượng hiện lên với đầy vẻ linh thiêng, huyền bí...
Hàng năm, rất đông người hành hương viếng Đức Mẹ (Ảnh: Internet)
Ngày nay, Tượng Đức Mẹ Măng Đen trở thành điểm hành hương của nhiều người Công giáo. Bên cạnh đó, nhiều người không theo đạo cũng tìm đến Đức Mẹ cầu lộc, con cái…Đặc biệt là ngày 9 tháng 12 hằng năm trở thành ngày Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo Phận Kon Tum. Điều này đã khiến cho Măng Đen thêm phần lôi cuốn du khách đi du lịch về thăm. Khách thăm Măng Đen vì nơi đây có cảnh quan trong lành, thăm Mang Đen để nghe những câu chuyện mang tính tâm linh đầy xúc động, gắn với Tượng Đức Mẹ Măng Đen nổi tiếng linh thiêng.
Thông tin về tour hành hương Đức Mẹ Măng Đen, quý độc giả có thể liên hệ:
CÔNG TY CP ĐT TM DV DU LỊCH ĐẤT VIỆT Địa chỉ: 198 Phan Văn Trị, P.10, Quận Gò Vấp, TP.HCM Hotline: (028) 73 081 888 Email: Website: datviettour.com.vn |