Nép mình giữa nơi đô thị sầm uất, nhộn nhịp của Sài Gòn, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam – FiTo tọa lạc ở một góc đường yên tĩnh Hoàng Dư Khương, quận 10. Đây là bảo tàng về y học cổ truyền ra đời đầu tiên ở Việt Nam được ra đời từ niềm say mê và bầu nhiệt huyết của ông Lê Khắc Tâm và các cộng sự. Là một người làm việc ở ngành dược phẩm, ông Tâm mong muốn góp một phần nhỏ công sức trong việc bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá của dân tộc, tôn vinh nền y học cổ truyền Việt Nam; đồng thời giúp cho những người quan tâm đến lịch sử y học cổ truyền có thể tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.
FITO ẩn mình ở một góc khiêm nhường ngay cạnh những nhà hàng náo nhiệt của khu Kỳ Hòa, và chỉ cách con đường Ba Tháng Hai đông đúc chỉ chưa đầy 500 m. (Ảnh: Facebook FITO Museum)
Với quy mô 6 lầu gồm 18 phòng cho khách tham quan với tổng diện tích gần 600 mét vuông, bảo tàng sẽ đưa du khách vào hành trình khám phá chiều dài lịch sử của nền y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá đến nay. Bước chân đến tham quan, đập ngay vào mắt du khách một dáng vẻ thanh bình, gần gũi người Việt Nam là hai bụi tre được trồng ngay cổng Bảo tàng Fito. Vừa qua bậc cửa, khách thưởng lãm có một cảm giác như đang đứng trong ngôi nhà rường rộng lớn, cổ kính, uy nghiêm nhưng nồng ấm hương thảo mộc lan tỏa nhè nhẹ, quấn quýt, hòa quyện vào tâm hồn khiến lòng người trở nên thanh thản.
Nội thất Bảo tàng Fito được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ sơn nhũ vàng, giả tranh sơn son thếp vàng thời xưa với nhiều họa tiết rất đỗi tinh xảo. Chủ nhân bảo tàng sử dụng những khung cửa của nhà gỗ xưa phát họa nên nét chấm phá tuyệt vời, chủ yếu được chuyển từ vùng đồng bằng Bắc Bộ vào. Yếu tố quan trọng làm nên giá trị của Bảo tàng Fito là hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá cho đến nay đang được lưu giữ, trưng bày như: dao cầu - thuyền tán dùng để cắt thuốc, tán thuốc có tuổi đời khoảng 2.500 năm, trong đó có một số dao cầu được mang về từ quê hương của thiền sư Tuệ Tĩnh và đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác.
Từng tầng tòa nhà có một cách trang trí riêng (tầng gỗ chạm, tầng khảm trai, tầng nhà gỗ truyền thống, tầng sơn son thếp vàng) nhưng tổng thể là một công trình hài hòa thống nhất. Nhiều họa tiết gỗ trong bảo tàng thể hiện sự tinh xảo của các nghệ nhân nghề khắc gỗ Việt Nam. (Ảnh: Kỳ Anh Nguyễn)
Trước khi tham quan, tìm hiểu các chủ đề trưng bày, du khách sẽ được tìm hiểu về nghề thuốc cổ truyền Việt Nam qua một bộ phim tư liệu “Kinh nghiệm thế kỷ chăm sóc sức khỏe”. Tiếp đó, du khách sẽ tự do khám phá không gian Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam mang đậm dấu ấn lịch sử với những cổ vật từ thời tiền sử và những hình ảnh tái hiện các nhà thuốc, các phương pháp bào chế thuốc mà người tham quan có thể tự tay làm thử, giúp cho buổi tham quan trở nên thú vị hơn. Là một bảo tàng về y học cổ truyền, tất nhiên nơi đây chứa rất nhiều những bộ sưu tập về các loại dược liệu được biết đến trong điều trị bệnh; các dụng cụ được sử dụng trong công việc bào chế, bảo quản thuốc; và cả những thang thuốc được truyền lại từ lâu như Chí Bảo Đơn, Minh Mạng Thang… Tất cả đều được sắp xếp khoa học với cách bày trí sáng tạo và bắt mắt. Xuyên suốt không gian Bảo tàng là sự đề cao vai trò của các loại dược liệu tự nhiên, như trong câu nói đầy tự hào của thiền sư Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân”.
Nhiều vị thuốc trưng bày tại Bảo tàng Y học cổ truyền TPHCM (Ảnh: Internet)
Trang trọng giữa nhà là bàn thờ hai vị tổ ngành y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, hai bên treo các bức hoành phi, câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng như bàn thờ tổ tiên của các gia đình khá giả xưa. Các lối cầu thang bộ được làm bằng một thứ gỗ đen tuyền. Cột, kèo, tay vịn cầu thang đều được chạm trổ tinh xảo, cả thang máy cũng được ốp gỗ và chạm khắc hoa văn tinh tế, được các thợ thủ công xây dựng trong 3 năm. Ở mỗi lầu, bảo tàng đều dành một khoảng không gian với cây xanh bóng mát, một số thảo mộc và được trang trí theo cách truyền thống riêng.
Bàn thờ Y tổ thờ 2 vị danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Ảnh: Kỳ Anh Nguyễn)
Đặc sắc hơn cả là bộ sưu tập cân - giã thuốc gồm các hiện vật như chày cối, cân ta, cân Tây, bào thuốc, ván gỗ, triện gỗ để in hóa đơn thuốc và toa thuốc. Bộ chày, cối bằng đá của người Việt cổ dùng để bào chế thuốc. Những chiếc chày, cối bằng đồng thường được sử dụng trong các nhà thuốc hay các hãng bào chế dược phẩm từ thời Pháp thuộc cùng với những chiếc cân tiểu ly dùng để cân dược liệu quý, được các thương gia người nước ngoài đưa vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVI, XVII. Đa dạng nhất phải kể đến bộ sưu tập ấm hay siêu sắc thuốc được sưu tầm từ khắp các địa phương như Hà Đông (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam), Lái Thiêu (Bình Dương)...
(Ảnh: Internet)
Một tác phẩm đáng chú ý của Bảo tàng là bức tranh điêu khắc bằng gỗ, thể hiện tên của 100 vị danh y và tác giả y học cổ truyền từ thế kỷ XI đến nay như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác. Bức tranh được thể hiện bằng hình tượng một thân cây to lớn với phần rễ chắc chắn đi kèm với tên những vị thầy thuốc đầu tiên, những người đã đặt nền móng cho y học dân tộc. Lên cao dần, tán cây lan rộng ra thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của ngành y và đến phần đỉnh, là những chồi non mới tiếp tục vươn cao không ngừng. Tác phẩm này có tên là Bách Gia Y - hay còn gọi là Cây thế hệ thầy thuốc Việt Nam, có khối lượng lên đến 500 kg, được hoàn thành bởi nhiều nghệ nhân làm việc trong nhiều tháng liền.
Đến Bảo tàng Y học cổ truyền TPHCM, du khách còn được chiêm ngưỡng tác phẩm “Việt Nam bách gia y” được chạm bằng gỗ, ghi tên tuổi 100 vị danh y và những người có công với nền y học cổ truyền Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX (Ảnh: Kỳ Anh Nguyễn)
Ngoài ra, Bảo tàng Fito còn sưu tập một kho tàng sách Hán - Nôm về y học cổ truyền với hơn 100.000 trang, trong đó có nhiều sách quý như Nam dược thần hiệu, Y tông tâm tĩnh của Hải Thượng Lãn Ông (28 tập, 66 quyển), được xem là Bách khoa toàn thư về y học cổ truyền Việt Nam.
Sau một vòng viếng thăm FiTo, du khách có thể tham gia trực tiếp vào quá trình bào chế thuốc như cắt thuốc, tán thuốc, nếm thử vị thuốc và các dịch vụ về khám chữa bệnh đông y, bán thuốc tại đây. Các mô hình “ngôi nhà thuốc Bắc,” “ngôi nhà thuốc Nam” đều được tái hiện sinh động, chứa đựng hàng trăm vị thuốc quý. Du khách có thể thử cách sắc thuốc bằng những dụng cụ mẫu, hay mặc áo dài hóa thân thành thầy lang bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân cũng là một trải nghiệm rất thú vị.
Tới thăm Bảo tàng Fito, giữa mùi hương thân thuộc của các loại thuốc, giữa những tư liệu và hiện vật, chúng ta không những hiểu thêm về nền y học cổ truyền của dân tộc mà còn được biết đến những triết lý về đạo làm thuốc, làm người của người Việt để càng thêm tự hào về đ��t nước mình.
Thông tin về trải nghiệm tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam, quý độc giả có thể liên hệ:
BẢO TÀNG Y HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM (FITO MUSEUM) Địa chỉ: Số 41 Hoàng Dư Khương, Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh Điện thoại: 0986900267 E-mail: |