Bát Tràng từ lâu đã là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với các mặt hàng gốm sứ và đất ung ở miền Bắc nói riêng và trên cả nước nói chung. Tuy nhiên, khi xã hội ngày một phát triển, các ngành công nghiệp hiện đại ra đời đem đến những nguồn thu nhập khổng lồ, thì những làng nghề, điển hình như làm gốm với mức thu nhập hạn hẹp đang dần bị mai một và thất truyền. Trước thực trạng ấy, con cháu đời thứ 15 của dòng họ làm gốm lâu nhất ở Bát Tràng đã quyết định xây dựng công trình được gọi là “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt”, để tôn vinh tổ nghiệp quê hương và bảo tồn, giữ gìn những giá trị tinh hoa văn hóa của làng nghề làm gốm.
Nhắc đến làng nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, không thể bỏ qua cái tên Làng gốm Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng chỉ là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền đời của Hà Nội, mà còn một trong những nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Công trình tọa lạc tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, có diện tích 3.300m2, Công trình do Văn phòng kiến trúc của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau. Ở một góc khác, người nhìn có thể liên tưởng đến hình ảnh Lò Bầu cổ của người Bát Tràng xưa.
(Ảnh: Internet)
Công trình này bên ngoài có 7 khối vòng xoáy, tượng trưng cho 7 bàn xoay gốm (một công cụ không thể thiếu của nghề làm gốm truyền thống). Công trình có kiến trúc khá "đặc" và cứng cáp, tuy vậy vẫn có những đường vòng cung mềm mại, uyển chuyển cùng nhiều ô cửa đón sáng khá tốt.Khi vào thăm quan bên trong du khách sẽ thấy không gian của một Lò Bầu cổ - nơi để nung ra những sản phẩm bằng gốm. Như vậy, công trình này đã kết hợp cả công cụ làm gốm là bàn xoay với Lò Bầu cổ để nung gốm, thể hiện được bàn tay, trí tuệ, khối óc của người nghệ nhân làm gốm.
(Ảnh: Internet)
Tầng 1 của tòa nhà là một quảng trường gốm, nơi trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật tâm đắc nhất của các nghệ nhân, được xem là nơi kết nối tâm hồn giữa nghệ nhân và du khách tham quan. Đây còn là không gian triển lãm, nơi tổ chức các sự kiện festival, chương trình văn hóa cổ truyền.
(Ảnh: Công Đạt)
Tầng 2 của tòa nhà hình bàn xoay là không gian dành cho trưng bày cố định và chuyên đề của Không gian nghề gốm Bát Tràng xưa & nay. Tại đây, du khách sẽ cảm giác như đang đi vào lòng của lò gốm thủ công xưa. Xung quanh là những bức vách, ngăn lò chất chồng sản phẩm gốm với gam màu nền đất chủ đạo, thỉnh thoảng lấp ló ánh sáng bập bùng của lò khi nung. Tổng diện tích dành cho trưng bày Bảo tàng là 500m2, với các chủ đề chính:
- Sự hình thành nghề và làng gốm Bát Tràng
- Câu chuyện về quy trình sản xuất gốm của làng Bát Tràng.
- Ngôi nhà tưởng niệm mô phỏng lại gian nhà của nghệ nhân Lê Văn Vấn.
- Không gian tôn vinh, giới thiệu về các sản phẩm của những nghệ nhân thuộc 19 dòng họ sản xuất gốm hiện nay của làng Bát Tràng - những con người đã dành cả cuộc đời để khôi phục, phát huy và phát triển nghề gốm của cha ông.
- Cuối cùng là không gian trưng bày rất khiêm tốn nhưng chứa đựng giá trị lớn, đó là không gian nghiên cứu về nghề gốm. Đây là không gian dành cho những công chúng quan tâm sâu đến nghề sản xuất gốm và nghiên cứu về gốm.
(Ảnh: Internet)
Tầng 3 của toà nhà là Trung tâm nghệ thuật đương đại – nơi triển lãm, đấu giá của các tác phẩm nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế do Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn Delat sáng lập, trong đó có gốm, các tác phẩm nghệ thuật và các tác phẩm tranh của những hoạ sĩ nổi tiếng.
Tầng thượng được xem là khu vực mà bạn cũng không nên bỏ lỡ khi đến bảo tàng. Với không gian cà phê rộng lớn, ngoài trời với quy mô tầm cỡ và được bài trí rất nhiều chậu cây xanh được chăm sóc, sắp xếp vô cùng đẹp. Du khách có thể hòa hợp với thiên nhiên thư giãn, ngắm cảnh và thoải mái thả hồn vào với quang cảnh.
(Ảnh: Internet)
Ngoài ra, tại tầng trệt là nơi dành cho việc trải nghiệm làm gốm thủ công. Ở đây có những dự án được thiết kế để cho khách tham quan, học sinh sinh viên, các em bé nhỏ. Tổ chức hoạt động khám phá những công đoạn làm ra gốm sứ gốm thủ công ngay tại xưởng. Dự án này giúp cho bảo tàng phát triển du lịch, thu hút nhiều khách đến trải nghiệm.
(Ảnh: Internet)
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt sẽ là điểm đến hấp dẫn, mới lạ, đậm tinh thần dân tộc của người yêu nghề gốm và cả những ai muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống, hay tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Đây không chỉ là 1 bảo tàng trưng bày các tác phẩm gốm sứ Bát Tràng mà còn là 1 không gian phát triển văn hóa làng nghề, sinh hoạt cộng đồng và gắn kết mọi người. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, đóng góp vào sự duy trì và phát triển của các nghề thủ công truyền thống của đất nước.
TRUNG TÂM TINH HOA LÀNG NGHỀ VIỆT Địa chỉ: Số 28, thôn 5, đường Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội Liên hệ: 0866959288 Email: Website: tinhhoalangnghe.vn |