Nằm giữa sông Hoài thơ mộng, Đảo Ký Ức Hội An là quần thể du lịch – nghỉ dưỡng – văn hóa độc đáo, tiên phong trong xu hướng du lịch và giải trí trên nền tảng văn hóa – nghệ thuật, kiến tạo không gian du lịch xanh, hướng đến hệ sinh thái du lịch văn hóa bền vững. Đảo Ký Ức Hội An bao gồm 3 phân khu chính: Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Ký Ức Hội An - tái hiện lại 400 năm Hội An thăng trầm; Công viên Văn hóa chủ đề tiên phong tại Việt Nam - Ấn Tượng Hội An và Hoi An Memories Resort & Spa - nơi tạo nên một định nghĩa mới về nghệ thuật của dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí.
Bước qua cánh cổng Công viên Ấn Tượng Hội An, du khách sẽ chìm đắm vào không gian cổ xưa, rực rỡ sắc mà có thể nói Công viên Ấn Tượng Hội An chính là một Hội An thu nhỏ không chỉ về quy mô mà còn về tiến trình lịch sử văn hóa. Đặc biệt, phần cổng chính của Công viên Ấn Tượng Hội An được lấy ý tưởng từ hình tượng Dinh Chấn Thanh Chiêm - đây là dinh chấn đầu tiên của chúa Nguyễn tại Hội An. Phần quảng trường tiếp đón được thiết kế gồm 9 cột rồng, mỗi cột là tượng trưng 1 đời chúa Nguyễn đã từng cai trị vùng đất này từ ngàn đời trước.
Tại đây có 13 khu vực để du khách đến khám phá và trải nghiệm. Mỗi khu vực tham quan đều mang những nét kiến trúc, văn hóa và ý nghĩa riêng như: Đài Vọng Cảnh, Khu thương điếm, Quảng trường trung tâm, Chùa Việt Nam, Làng Nhật Bản, Cây cầu tình yêu, Bến thuyền,...
Lấy cảm hứng từ những không gian đồng quê Việt Nam ngày xưa, hình ảnh ngôi nhà 3 gian được tái hiện đầy sống động, bên cạnh là ao cá, vườn rau và những gốc rạ mang đậm màu sắc truyền thống Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Văn hóa Hội An chịu khá nhiều ảnh hưởng từ Nhật Bản nhờ sự phát triển và xâm nhập của người Nhật vô Hội An vào những năm của thế kỉ XVI – XVII. Và cộng động người Nhật dần trở thành một phần trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng Hội An, chịu ảnh hưởng khá mạnh trong kiến trúc, ẩm thực cũng như đời sống tin thần. Khu Làng Nhật Bản là nơi tái hiện lại cuộc sống và những câu chuyện mang đậm tình nghĩa bang giao giữa hai nước Việt - Nhật. (Ảnh: Internet)
Đời sống tinh thần người Việt gắn liền với những ngôi đền thờ, chùa chiền. Vì vậy, đây là những hình ảnh không thể thiếu trong đời sống người Việt. Khu vực tâm linh là một phần kiến trúc đặc trưng không thể thiếu của cộng đồng người dân phố cổ nói riêng cũng như người Việt nói chung. (Ảnh: Internet)
Du khách còn có cơ hội tham gia vào các trò chơi dân gian và thưởng thức các minishow Bà chúa Tằm Tăng, Rước nước. Đám cưới công chúa Ngọc Hoa,...
.
Ẩm thực xứ Quảng luôn chiếm trọn cảm tình của người yêu món Việt không chỉ bởi hương vị thơm ngon, mà còn từ những nguyên liệu gần gũi, dân dã. Nằm giữa lòng công viên, khu ẩm thực làng Việt sẽ mang đến cho bạn những món ngon đặc sản xứ Quảng như mì quảng, bánh bột lọc, cao lầu,… Với hương vị nguyên bản của món ăn do chính người dân nơi đây chế biến. (Ảnh: Internet)
Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua show thực cảnh Ký ức Hội An. Sân khấu thực cảnh Ký Ức Hội An, nằm trong công viên Ấn tượng Hội An, được xây dựng với diện tích 25.000m vuông, nằm trên bãi bồi sông Hoài. Khán đài có sức chứa đến 3.300 chỗ ngồi. Kiến trúc xây dựng được lấy từ nét văn hóa xa xưa của một Hội An thu nhỏ.
Màn Sinh Mệnh – Thuở khai hoang lập Âp của Hội An là màn đầu tiên trong Ký Ức Hội An. Sinh Mệnh tái hiện bức tranh sinh động về văn hóa, những phong tục, cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân địa phương thời kỳ trước. Bức tranh mở đầu với hình ảnh cô thôn nữ ngồi dệt vải với đôi tay uyển chuyển, thanh thoát tạo nên những tấm vải mềm mại và nụ cười luôn nở trên môi. Sinh Mệnh còn thu hút người xem bởi con đường ánh sáng được tạo nên bởi 100 cô gái mặc áo dài thướt tha. Một mầm sống mới bắt đầu trong niềm hạnh phúc giản dị của đôi vợ chồng trẻ. Ngoài ra, một loạt hình ảnh khác cũng được lột tả hết sức chân thật như hình ảnh hăng say lao động miệt mài đang xây dựng nhà cửa hay đánh bắt cá của người dân.
Màn 2 của show diễn là cảnh đám cưới. Đó là hình ảnh những bông hoa gạo rơi đỏ rực theo dòng nước đưa công chúa Huyền Trân về nhà chồng như thể hiện nỗi buồn chất ngất trong lòng người con gái hy sinh tuổi thanh xuân và tình yêu vì quốc gia đại sự. (Ảnh: VnExpress)
Màn diễn Thuyền và Biển đã chuyển tải thông điệp: ‘nỗi nhớ mong của người trên bờ và người đi biển’ qua câu chuyện tình yêu của cô gái chờ mãi người yêu là thủy thủ tàu buôn thường xuyên xa nhà.
Lấy bối cảnh là phiên chợ Hội An đầy sầm uất, tập nập sẽ đưa người xem gợi nhớ về một thời kỳ thịnh vượng của Hội An – một trong những thương cảng nổi tiếng khắp Đông Nam Á từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Bến bờ chính là màn biển diễn chính và đem đến ấn tượng mạnh mẽ nhất trong toàn bộ show diễn. Khán giả sẽ thực sự bị thuyết phục bởi những màn trình diễn hết sức đẹp mắt, sự xuất sắc từ bối cảnh, tạo hình nhân vật, kỹ năng diễn xuất cho đến sự phối hợp ăn ý giữa âm thanh, ánh sáng và kịch bản.
Kết thúc chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” là màn trình diễn áo dài truyền thống kết hợp với các công trình kiến trúc cổ xưa gắn liền với vùng đất Hội An. Trong không gian âm thanh và không khí hiện đại, các cô gái đạp xe đạp dọc con đường ánh sáng, len lỏi qua từng góc phố cổ như đưa khán giả trở về với cuộc sống hiện đại, về với một Hội An cổ kính trầm mặc nhưng không kém phần năng động, hiện đại theo một cách riêng của nơi này– ôn hòa, nhẹ nhàng và đầy tinh tế.
Thông tin về Ký ức Hội An, quý độc giả có thể liên hệ:
ĐẢO KÝ ỨC HỘI AN Địa chỉ: Cồn Hến (200 Nguyễn Trí Phương rẽ trái) Điểm đón bến thuyền: 59 Trần Quang Khải, Cẩm Châu, Hội An Số điện thoại: 1900 63 66 00 - 0904 636 600 Email: Website: https://hoianmemoriesland.com/ |