Nghe tên "Trà hạt" nhưng không phải là hạt trong quả chè xanh, mà được làm từ nụ hàm tiếu trước khi nở của cây chè. Có lẽ vì nó tròn xoe nên người dân ở đây gọi là "trà hạt". Thông thường người ta sẽ ướp trà với hoa sói để cho trà thơm hơn, đậm vị hơn, đó cũng chính là lý do mà trà hạt được gọi với một cái tên khác - "Trà hạt hoa sói" hay "Trà hoa sói".
Đối với người Việt Nam nói chung "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương", còn với người Bát Tràng nói riêng luôn ghi nhớ câu thơ rằng: "Cơm nước mắm, tắm đòn dong/ Chè hột hoa sói nước sông Nhị Hà". Bởi lẽ "Đòn dong" và "Chè hột hoa sói" đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi con người. Mỗi người Bát Tràng xa quê, món quà được người nhà chuyển tới chính là một chiếc đòn dong và một cân chè hột ướp hoa sói. "Đòn dong" là thứ vật phẩm phụ, ngày nay có tên gọi là tòong, xưa dùng để lót sản phẩm với mục đích không để sản phẩm bị dính vào bao khi nung. Với bề mặt thô, giáp nhưng không sắc, đòn dong được dùng thay cho hòn đá kì. Còn "Chè hột hoa sói" có thể gọi là một phương thức ướp trà và thưởng thức trà độc đáo chỉ riêng ở Bát Tràng mới thấy. Chè hột (chè hạt, trà hạt) hay còn gọi là chè nụ phải tìm mua bằng được loại chè ngon, nụ chè to và đều nhau, chè khi pha phải cho thứ nước màu vàng sáng mới đạt tiêu chuẩn.
Dân Bát Tràng còn gọi chè hạt bằng một cái tên khác nghe rất dễ thương, đó là trà nụ.
Sau khi đã chọn được chè, tiếp tục chọn hoa sói. Khác với hoa nhài, hoa sói có hương thơm mát dịu, gần giống như hoa ngâu. Bông hoa sói màu trắng, hoa chỉ nhỏ bằng hạt gạo. Chọn những bông hoa tươi, trắng đem ướp với chè. Đặt hoa sói vào những chiếc mâm hoặc những chiếc mẹt đan bằng tre sau đó trải đều một lớp chè lên trên rồi đem phơi dưới nắng. Dưới tác động của nhiệt độ, chè và hoa cùng khô, hương thơm của hoa sẽ thẩm thấu vào từng nụ chè. Sau khi phơi khoảng 2,3 nắng bốc chè đựng trong những hũ gốm, đậy chặt để chè không hút ẩm. Ấm chè hột ngon là ấm chè không đặc quá mà cũng không loãng quá vì nếu quá đặc thì sẽ rất chát. Chè hạt có tính mát, có thể uống cả ngày mà không sợ mất ngủ như chè búp. Ngon nhất là chè được pha bằng nước mưa. Xưa kia vào mùa khô chè còn được pha bằng nước sông Hồng đánh phèn lắng sạch. Ấm chè hạt thường được ủ nóng bằng bao ấm (giỏ ấm).
Mỗi lần pha trà, tráng ấm bằng nước nóng già, cho vào ấm một vốc trà, đổ thêm ít nước nóng rồi tráng một lần nữa (động tác rửa chè). Cuối cùng tùy theo lượng nước định uống mà rót nước vào ấm.
Trà có tính mát, khác với các loại chè lá, có thể uống cả ngày mà không hề gây mất ngủ. Đặc biệt hơn nữa, trà hạt hoa hoa sói còn được dùng để chan với cơm thay canh, ăn với cà muối; Đây quả thực là điều không có loại trà nào có thể làm được. Trà ngon nhất khi pha bằng nước mưa, khi xưa còn hay được pha bằng nước sông Hồng sau khi đã đánh phèn.
Trà hạt đã trở thành một trong những thú vui tao nhã của người Bát Tràng, theo chân họ vào Nam ra Bắc. Bên chén trà, thủ thỉ những câu chuyện nhỏ to, những điều mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn đọng lại những tiếng cười giòn vang xa.
"Làng em làng gốm Bát tràng
Có vui : Đỏ lửa - đông hàng mới vui
Nước mưa… Chè hạt pha rồi
Thêm nhành hoa sói… ta ngồi… tỉ tê"
Và nếu như bạn muốn thử một lần vị của loại trà đặc biệt này, mời bạn cùng về với Bát Tràng, nhâm nhi chén trà nghe những câu chuyện mộc mạc, bình dị nơi đây.