Ba khía là một loài họ cua có càng to, là loại còng biển, do trên mu (lưng) có ba gạch (khía) nên được đặt tên ba khía. Ba khía có nhiều ở vùng Nam bộ ở Việt Nam, là loài đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Tuy nhiên, chất lượng thay đổi theo từng vùng, người dân cho rằng là do thức ăn khác nhau. Ba khía vùng rừng mắm thì thức ăn chính là lá cây mắm, khi muối xong có màu đen, gạch cũng đen nên ăn không ngon. Ba khía vùng rừng đước Năm Căn ăn lá đước, lớn con, gạch màu vàng, khi muối có màu đỏ nên người ăn ưa chuộng hơn. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ba khía Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), vì ba khía ở đây tuy nhỏ con hơn nhưng nhờ ăn trái mắm đen rụng xuống nên thịt chắc và ngon hơn các nơi khác. Cây mắm đen thì chỉ có ở Rạch Gốc.
Ba khía muối nổi tiếng nhất là ở Rạch Gốc – Cà Mau vì ba khía ở đây có thịt chắc nịch và thơm hơn nhưng vùng khác.
Theo người dân địa phương, con ba khía có quanh năm nhưng để bắt những con ba khía chắc thịt, có gạch son thì vào khoảng tháng 6 – tháng 10 âm lịch là thời điểm phù hợp nhất. Vì thời gian này trời hay mưa và trái mắm cũng bắt đầu rụng nên chúng có nguồn thức ăn dồi dào. Vào mùa này, người săn ba khía chèo ghe chở nhiều lu nước pha muối hột đến nơi ba khía "hội", khi thấy chúng thì chỉ cần gạt xuống ghe, rửa sạch cho vô lu đậy nắp lại. Sáng hôm sau vớt ra để ráo, nước muối lóng phèn cho trong. Lu rửa sạch, xếp ba khía từng lớp dẽ dặt, lớp nào cũng rải muối hột cùng vài tép tỏi. Lớp cuối rải muối hột rồi đổ ngập nước muối lóng phèn, đậy kín đệm.
Cách bắt và muối ba khía không cầu kỳ, nhưng vẫn làm nên món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang.
Độ ngon của con ba khía đều tùy thuộc vào độ mặn của nước muối, nếu muối nhạt quá thì con ba khía sẽ bị bủng, ăn mất ngon, còn nếu mặn quá thì con ba khía sẽ bị rụng càng, chát thịt. Để muối cho con ba khía vẫn giữ được màu sắc như khi còn sống, thịt vẫn chắc, mặn dịu, ăn ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật của người làm nghề. Bí quyết để có được độ mặn vừa phải, người làm ba khía có kinh nghiệm sẽ cho muối vào từ từ, dùng vài hạt cơm nguội để thử, nếu cơm nổi lên mặt thì nước muối đã đủ độ mặn. Chú ý không làm bằng nước mưa, vì ba khía sẽ bị trở mùi. Khoảng mười ngày sau ba khía muối thơm dịu, ăn được. Chính vì vậy mà người ta thường gọi ba khía muối chứ không phải mắm ba khía. Sau 1 tuần ướp muối, ba khía được tách ra chế biến với những nguyên liệu dân dã như tỏi, ớt, chanh, đường hoà trộn nhau tạo nên món ăn độc đáo của vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Để có được con ba khía muối chuẩn vị còn cần có cả bí quyết riêng của những người làm nghề.
Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở vùng đất Nam bộ. Đây còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn. Trải qua những khó khăn trong cuộc sống và thăng trầm của thời gian, nghề muối ba khía vẫn được người dân gìn giữ qua bao đời nay và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau, song vẫn giữ được phong tục truyền thống và hương vị rất riêng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của vùng Đất Mũi – Cà Mau.Từ món ăn dân dã, bình dị của bà con lao động xứ biển nay được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Bởi vị đặc trưng của thịt ba khía sinh sống rừng ngập mặn không thể trộn lẫn với những nơi khác. Cùng với đó là sự khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút của người thợ trong từng công đoạn để làm ra ba khía thịt chắc và thơm ngon.
Hiện nay, nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ba khía Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau).
Ba khía muối để khoảng 1 tuần là có thể ăn được. Khi ăn, người ta vớt ba khía ra, rửa sơ bằng nước ấm, tách mai, bẻ đôi thân ba khía, đập dập sơ hai càng, bỏ vào tô rồi cho tỏi, ớt, chanh, đường cát trắng vào trộn đều để cho thấm là ăn được. Nếu thích, có thể cho xoài xắt sợi, khế chua, cóc xanh, chuối chát thêm vào. Đối với người sành ăn ba khía thì ngon nhất vẫn là ăn mắm ba khía với cơm nguội, đặc biệt là trộn cơm vào những chiếc mu đầy gạch son thì tuyệt nhất.
Người sành ăn cho rằng ba khía muối mang trộn với chanh, tỏi, ớt, đường rồi ăn với cơm nguội thì mới đậm đà và đúng điệu miền quê.
Vị ngọt của cơm nguội hòa với cái vị mặn mặn của ba khía cùng với cái bùi bùi của gạch son thì còn gì sánh bằng!