Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn sát biên giới huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, là nơi sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao… Nơi đây được mệnh danh là "vùng đất khát" do không có bất cứ con sông, dòng suối nào chảy qua. Tại vùng biên viễn hoang sơ này, điều kiện sinh sống của người dân rất khó khăn. Nơi đây, đâu đâu cũng chỉ thấy núi đá, không có mạch nước ngầm, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và sương sớm, vì thế nhà nào cũng có những chiếc chum lớn để chứa nước. Ngoài ra, điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường quanh năm cũng khiến cho những loại cây hoa màu như ngô và lúa không thể phát triển được. Đời sống kinh tế của người dân vì thế rất bấp bênh. Tuy nhiên, với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt như vậy cộng thêm sương sớm bao phủ quanh năm, vùng đất này lại trở thành "thiên đường" của cây gừng và cho ra hương vị rất đặc biệt.
Đất đai ở vùng cao Lục Khu thiếu nước, là vùng đất khô cằn nhưng rất thích hợp với khả năng phát triển của cây gừng bởi đây là loại cây chịu hạn tốt.
Đất Hà Quảng có lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng cao 1.300m so với mặt nước biển nên gừng ở đây to và thơm ngon hơn các vùng khác. Sản phẩm gừng trồng ở khu vực này đã được gửi đến các chuyên gia của Pháp, họ đánh giá đây là khu vực rất phù hợp, củ gừng tạo nên gia vị và làm đồ uống rất ngon. Một tấn giống có thể thu hoạch được 5 - 6 tấn gừng.
Lục Khu là vùng núi đá, không có mạch nước ngầm, quanh năm chỉ phụ thuộc vào nguồn nước mưa nhưng do thời tiết mát lạnh nên sáng sớm thường có nhiều sương, giúp cây gừng phát triển tốt. Nhờ thổ nhưỡng kỳ lạ, được thời tiết ưu ái nên củ gừng ở Lục Khu có hương vị đặc biệt.
Bên cạnh đó, đồng bào ở đây được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ đồng bào đã vượt qua tâm lý lo ngại về đầu ra, tham gia học hỏi kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất. Đồng bào cũng thay đổi tư duy, thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Nhờ đó mà cây gừng trồng theo hướng hữu cơ đã phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho bà con.
Giống gừng trâu không chỉ sinh trưởng tốt mà còn đem lại chất lượng cao: Sợi gừng mềm, vỏ khô và chắc, màu vàng và mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là hàm lượng tinh dầu cao.
Trên vùng đất cằn toàn sỏi đá này, những nương ngô dần được thay bằng nương gừng hữu cơ xanh tốt. Giờ đây, cây gừng đã trở thành cây xóa nghèo, người dân vùng cao đã có của ăn của để từ gừng.