Ở Cồn Sơn, hầu như gia đình nào cũng ủ nước mắm đồng, nhà ít thì một hai khạp, nhiều thì mười mấy khạp để dành ăn quanh năm, còn dư thì gửi cho bà con ở xa. Có người ủ nước mắm cá linh, cá dảnh, mè vinh, người lại chuyên ủ cá cơm... mỗi loại cá cho một hương vị khác nhau. Cá linh, cá dảnh, mè vinh có thể đem ủ chung một khạp và cho nước mắm có mùi thơm nồng, còn nước mắm ủ từ cá cơm sẽ có thơm dịu hơn.
Nhờ con sông Hậu trao tặng cho nhiều tôm cá tự nhiên nên nhà nào ở Cồn Sơn cũng làm mắm, làm khô và ủ chượp những khạp nước mắm đồng để ăn dần cả năm.
Nước mắm đồng mang nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ, hòa quyện mùi cá đồng với vị mặn mòi của muối biển. Giở nắp khạp, mùi nước mắm đồng thoang thoảng, một mùi thơm vừa lạ vừa quen. Nước mắm đồng mặn hơn, nhìn không trong, không sóng sánh, nhưng vị đậm đà và thơm hơn nước mắm công nghiệp, đặc biệt là không có hóa chất, phụ gia. Ngoài ăn sống, nước mắm còn được dùng phổ biến trong chế biến món ăn, loại gia vị này đã trở thành thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Nam bộ.
Cái mùi hương mới thoảng nghe trong gió, đã thấy bụng dạ cồn cào, chỉ ao ước có ngay một chén cơm trắng, một dĩa rau luộc để chấm với nước mắm đồng đậm đà thơm phức.
Những giọt nước mắm mặn mòi gợi hình ảnh người bà, người mẹ tần tảo ngồi bên bếp lửa canh từng cây củi cẩn thận. Nhờ vậy, vị ngọt từ cá đồng vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng người thưởng thức.