[VIETKINGS-BESTPLUS đề cử] TOP 100 Tinh hoa gia vị Việt 2023 (P.33): Mắm nêm (TP.Đà Nẵng) – "Linh hồn" của ẩm thực Đà thành

25-09-2023

(VIETKINGS – BESTPLUS) Cái nôi của mắm nêm là miền Trung, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Mắm nêm ngự trị hầu hết trong mọi mâm cơm của người dân, nhất là ngư dân ven biển bởi họ làm mắm nêm để dành ăn trong những ngày trái gió trở trời không đi chợ, ra đồng hay ra khơi được. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn thì mắm nêm vẫn luôn là cao lương mỹ vị, là gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn ngon, dân dã và bình dị của người Đà Nẵng.

 

Mắm nêm còn được gọi là mắm cái. Đây là một loại gia vị mặn quen thuộc ở các tỉnh duyên hải miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. Mắm nêm gắn bó với con người qua từng bữa ăn hằng ngày, có người trong bửa ăn thiếu mắm nêm, cảm thấy ăn không ngon. Có nhiều loại mắm nêm trên các vùng miền đất nước, nhưng ở mỗi địa phương, mắm nêm lại mang một sắc thái riêng, không lẫn vào đâu được qua cách ăn và món ăn ở đó. Mắm được làm từ các loại cá tươi (con nêm) như cá nục, cá cơm than, cá giò,... ướp với muối theo công thức gia truyền. Về nguồn gốc của mắm nêm, theo các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, những người Quảng thuở sơ khai đã học được kỹ thuật chế biến mắm của người Chăm. Qua thời gian học hỏi, họ đã "Việt hóa" phương pháp chế biến mắm, để rồi trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt.

 

Mắm nêm gồm hai dạng là nhuyễn và nguyên con. Đối với mắm nêm dạng xay nhuyễn thì thường được làm từ cá nục, cá trích… còn với mắm nêm nguyên con thì thường được làm từ cá cơm.

 

Làm mắm nêm không đơn thuần như muối dưa, muối hành,… mà đòi hỏi phải biết ước lượng, phải cân đo, đong đếm tỉ lệ cá – muối thì mới có thành phẩm là những hủ mắm "chuẩn mặn mòi". Trước hết, cá được làm sạch và cắt thành từng miếng nhỏ. Sau đó, cá được chườm muối với tỉ lệ pha muối phù hợp. Ít muối thì nhạt nhẽo, đôi khi vô vị, nhiều muối thì nát cá, thành mặn chát. Người ta thường muối theo công thức chung 3 cá – 1 muối và chủ yếu là muối bằng cá cơm. Thời gian chườm muối tùy thuộc vào loại cá, thường khoảng từ 1 đến 2 ngày. Sau đó, cá được vớt ra để ráo nước muối và trộn với một số gia vị như tiêu, tỏi, ớt, đường, nước mắm, rượu nếp, và lá chanh. Các thành phần này được trộn đều với cá và để ủ trong một thời gian. Qua 5 – 6 tháng, mắm cũng đến độ chín để có thể ăn được. Trui rèn trong cái mặn của vùng biển cả, những con cá giờ đây đã đổi sang một màu đỏ au như cái màu da cháy nắng của người dân làng chài nơi đây. Thịt cá mềm nhũn ra, tuy mặn nhưng ăn vào thì để lại một dư vị ngọt the nơi đầu lưỡi. Mùi hương của mắm nêm là một mùi hương rất đặc trưng. Một mùi mắm ngai ngái, xộc thẳng vào mũi ta, tạo nên một nét độc đáo riêng biệt, khó quên. 

 

Sau đó, mắm được chưng cất, lọc sạch để lấy phần nước mắm ngon nhất, màu nâu đậm, thơm ngon.

 

Mắm nêm thường được dùng làm nước chấm khi ăn cùng bún tươi, hoặc các loại thịt luộc, hay rau luộc. Chỉ cần mắm nêm với rau sống, dưa leo hoặc rau luộc, bông bí là đã có một bữa cơm đạm bạc mà ăn đến no vẫn còn thòm thèm. Từ chỗ thích ăn mặn, ăn cay, người Đà Nẵng đã sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo với mắm nêm là hương vị chủ đạo của món ăn, từ đó làm phong phú thêm ẩm thực nơi đây.

 

Mắm nêm có màu nâu sền sệt, hương thơm nồng đặc trưng, gắn liền với nhiều món đặc sản Đà Nẵng như bún mắm nêm, bánh đập, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo nem lụi, bún thịt nướng... 
 

Thưởng thức mắm nêm cũng có nhiều cách. Tùy thuộc vào khẩu vị và sở thích, người ta có thể ăn mắm nêm với nhiều món khác nhau. Mắm nêm thường được dùng để chấm bánh tráng, bánh đa, bánh mì, hoặc kèm với rau sống, đậu hũ, dưa leo. Nếu bạn không thích ăn mắm nêm tươi, thì có thể dùng để nấu các món như canh chua ngọt, lẩu, cá kho tộ, thịt kho tộ và nhiều món ăn khác.

 

Mắm mêm cũng có thể được sử dụng như một loại gia vị để tăng hương vị cho các món ăn khác.

 

Mắm nêm không chỉ là một món ăn đơn thuần mà nó còn là một phần trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nó thể hiện sự đa dạng và sáng tạo của người Việt trong việc chế biến các món ăn từ các nguyên liệu đơn giản như cá và muối. Mắm nêm cũng thể hiện sự quan tâm của người Việt đối với sức khỏe và dinh dưỡng, khi sử dụng các thành phần tự nhiên và không sử dụng các chất bảo quản và hóa chất độc hại. Ngoài ra, mắm nêm còn có tác dụng tốt đối với sức khỏe, chứa nhiều đạm và chất béo omega-3, giúp cải thiện chức năng não bộ và tim mạch. Nó cũng có khả năng giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh khác liên quan đến việc tăng mỡ máu.


Nga Võ (tổng hợp & biên tập, nguồn hình: Internet) - VietKings